Nghị quyết và Đời sống

Tiếp tục khơi dậy sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng vượt mọi khó khăn

Hà Vũ 01/01/2022 06:32

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới trước thềm năm mới 2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh, phải tiếp tục khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để giành kết quả tốt nhất trên các lĩnh vực.

- Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, năm 2021, cùng với cả nước, Hà Nội chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 trong khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Nhìn lại năm qua, xin đồng chí cho biết đâu là những kết quả nổi bật của Thủ đô?

- Đợt dịch thứ tư xảy ra từ cuối tháng 4-2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống an sinh của người dân. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, ý chí quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô vẫn cơ bản hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng với kết quả khả quan.

Thứ nhất, chủ động dự báo trước tình hình, có giải pháp trúng, đúng, nên đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân. Từ khi mở lại các hoạt động đến nay, mặc dù số ca F0 tăng cao, nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. 

Thứ hai, thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm vẫn đạt 2,92%. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 111% dự toán trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng khoảng 1,7%...

Thứ ba, thành phố vẫn hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng như: Phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác bảo đảm an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện...

- Dễ nhận thấy, năm qua, Hà Nội chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhất là trong quý III phải thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội. Thành phố đã làm gì để phục hồi và có mức tăng trưởng kinh tế tích cực như trên, thưa đồng chí?

- Hà Nội luôn xác định duy trì tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ tối quan trọng song song với công tác phòng, chống dịch. Thành phố không chỉ phải lo cho mình, mà có trách nhiệm quan trọng đối với kinh tế đất nước. Nên ngay từ đầu năm, tranh thủ tối đa khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, thành phố linh hoạt áp dụng các biện pháp, chỉ phong tỏa diện hẹp, áp dụng cách ly “3 lớp”; ngoài phong tỏa, trong vẫn sản xuất bình thường. Ngay cả trong quý III, mặc dù phải thực hiện 4 đợt giãn cách toàn thành phố, nhưng Hà Nội vẫn vận dụng tối đa, tạo điều kiện thiết lập “luồng xanh” cho vận chuyển hàng hóa. Khác với nhiều tỉnh, thành phố, Hà Nội vẫn duy trì hoạt động của các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, có sáng kiến tổ chức chợ, siêu thị lưu động, vừa tạo đầu ra cho sản xuất và duy trì tăng trưởng dịch vụ, thương mại, vừa bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu hằng ngày của người dân...

GRDP quý I của thành phố tăng 5,17%, quý II tăng 6,49%. Đến quý III, GRDP thành phố giảm 7,02%. Nhưng ngay khi thực hiện “bình thường mới”, trong quý IV, kinh tế Thủ đô đã phục hồi với GRDP ước tăng 6,69%.

- Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Nhiệm vụ quan trọng này được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

- Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện nhiệm vụ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bị ảnh hưởng. Tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của nghị quyết đại hội đã được khẳng định trong hoạt động của các cấp ủy Đảng. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa đúng ngày kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng bộ (17/3/1930 - 17/3/2021), với tiêu chí, lộ trình thực hiện, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp từ rất sớm. Ngoài ra, các nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, công nghiệp văn hóa cũng được ban hành từ sớm, tạo cơ sở cho các đơn vị, địa phương thực hiện.

- Nhiều ý kiến của Trung ương cũng như nhân dân Thủ đô đã cùng đánh giá, những vấn đề Thành ủy lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đều sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng chí có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

- Thành ủy Hà Nội quán triệt tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra là mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời, Thành ủy đã nghiên cứu, ban hành các nghị quyết, chỉ thị có tính chất đường lối tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm vừa nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho Thủ đô phát triển.

Nhiệm kỳ này, Thành ủy tập trung chỉ đạo và triển khai 2 nghị quyết chuyên đề. Một là, Nghị quyết về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” với những giải pháp mạnh, tạo bước đột phá từ các khâu của công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Hai là, Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm khơi dậy, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, Thành ủy đã ban hành các nghị quyết, thành lập các ban chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp đưa Thủ đô phát triển. Cụ thể là Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội” và Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Chủ trương triển khai Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô”; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố...

Vừa qua, Thành ủy tiếp tục ban hành 2 chỉ thị về quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, khoáng sản. Đây là hai lĩnh vực “nóng” trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn, cũng là vấn đề được nhân dân rất quan tâm, nhất là khi ở cơ sở đâu đó thời gian qua bị buông lỏng.

- Với những chủ trương đã ban hành, Hà Nội đã có hành trang quan trọng để bước vào năm mới 2022 với những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Tuy nhiên, nhìn lại một năm đã qua, đồng chí còn trăn trở những điều gì?

- Như chúng ta đã biết, kinh tế Thủ đô mặc dù có tăng trưởng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chỉ đạo phát triển kinh tế còn chưa quyết liệt, nhất là trong cụ thể hóa các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Công tác giải quyết những vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Công tác phòng, chống dịch bệnh có nơi, có lúc còn chủ quan...

Thực tế này cho thấy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự cố gắng cao hơn nữa trong năm 2022.

- Hiện nay, biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 là Omicron với khả năng lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng Delta đã xuất hiện. Đồng chí đánh giá ra sao về thời cơ và thách thức đặt ra với Thủ đô năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy?

- Biến chủng Omicron đã ghi nhận tại hơn 100 nước. Với khả năng lây lan nhanh có thể làm quá tải hệ thống y tế, biến chủng này là thách thức lớn với thế giới chứ không chỉ riêng nước ta. Vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp mắc biến chủng Omicron, mặc dù đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, nhưng như vậy nguy cơ xâm nhập là có thể xảy ra.

Chính vì vậy, chúng ta càng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thành phố phải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự giác phòng, chống dịch, tiếp tục tuân thủ thật tốt thông điệp “5K”. Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung vào các giải pháp chủ yếu mà thành phố đang thực hiện, làm thật tốt công tác phòng, chống dịch từ cơ sở, nhất là nâng cao năng lực cho hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở. 

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Đại dịch Covid-19 chắc chắn vẫn là khó khăn, cản trở lớn. Nhưng Hà Nội cũng như cả nước đã xác định sống chung với Covid-19.

- Trong điều kiện như vậy, Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu như thế nào trong năm mới 2022, thưa đồng chí?

- Mục tiêu của Thành ủy Hà Nội trong năm mới 2022 là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; nhất là hiện thực hóa 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 10 chương trình công tác toàn khóa, cũng như 2 nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết, chỉ thị quan trọng khác. Tất cả nhằm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

Thành phố sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, với chủ đề công tác tiếp nối của năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hoàn thành đạt và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5% so với năm 2021.

- Các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 được đặt ra với quyết tâm cao, nhưng sẽ phải thực hiện trong bối cảnh dự báo tình hình tiếp tục có nhiều khó khăn. Thành phố có giải pháp gì để thành công, thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng, để thành công, phải tiếp tục khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô. Mấu chốt để đạt thành công trên các lĩnh vực năm 2022 vẫn phải gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch, cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch Covid-19. Trong đó, trọng tâm là củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế cơ sở…

Thành ủy sẽ chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá cán bộ.

Các cấp ủy Đảng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, nhất là kiểm tra cơ sở trong việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0, việc bố trí, vận hành các trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động; công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19…

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp bảo đảm cân đối lớn; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

Trên quan điểm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, thành phố sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. Trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ trước khi tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh hợp nhất với thành phố Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, các cấp, các ngành sẽ tập trung xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn như: Đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Trong đó, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển Hà Nội, thúc đẩy phát triển liên vùng; khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hà Nội sẽ dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế... Đặc biệt, là nơi có tiềm năng rất to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là từ vị trí, vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước; nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc với hệ thống hơn 5.900 di tích, thành phố sẽ quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa... để tạo nguồn lực mới kích thích phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế du lịch.

- Đồng chí có điều gì nhắn gửi tới cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô để cùng hướng tới một năm 2022 vượt khó, vươn lên mạnh mẽ?

- Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô. Trong một năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng Hà Nội vẫn đạt được những kết quả nổi bật là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của cấp trên cùng các địa phương bạn và đặc biệt là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, sự chia sẻ, chung sức, đồng lòng của nhân dân Thủ đô.

Tôi tin tưởng, với truyền thống đoàn kết cùng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm ứng phó trước khó khăn, thử thách trong năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phấn đấu, giành được những kết quả cao trên các lĩnh vực, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, là trái tim của cả nước.

Tôi mong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô luôn luôn nêu cao ý thức tự giác và thực hiện thật tốt các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19.

Xin gửi tới nhân dân, cán bộ Thủ đô và cả nước lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Nhân dịp này, xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, chuyên gia, tình nguyện viên, bạn bè nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy. Kính chúc đồng chí và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục khơi dậy sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng vượt mọi khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.