Ngày 18-7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần thứ hai".
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, cơ quan xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bám sát 3 Nghị quyết của Trung ương và 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Theo kế hoạch, đến tháng 10-2023, dự thảo sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất.
Đến nay, Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tập trung hoàn thiện 3 nhóm vấn đề lớn: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, tạo cơ chế cho Thủ đô chủ động giải quyết công việc của thành phố; huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô; tạo nhiều cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực (tài chính, đất đai, tài sản công, nguồn nhân lực chất lượng cao...), khai thác triệt để ưu thế, lợi thế, tiềm năng, thế mạnh để giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô, phát triển đô thị theo hướng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô ( sửa đổi)- bố cục gồm 6 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 - có nhiều điểm mới. Theo đó, Hà Nội là đô thị đa chức năng, loại đô thị đặc biệt. Vị trí, vai trò trước hết và quan trọng bậc nhất của Thủ đô là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia”, rồi đến “là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ”, và “là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.
Vì thế, Thủ đô Hà Nội phải tập trung thực hiện và làm tốt lần lượt các nhiệm vụ cơ bản sau: Xây dựng và quản lý đô thị văn minh, hiện đại, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến; phát triển giáo dục và khoa học công nghệ cao, công nghệ lõi; phát triển kinh tế, tập trung du lịch, dịch vụ về tài chính, khoa học và công nghệ, trong đó chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ sạch... Hạn chế phát triển công nghiệp.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trọng tâm đó, Thủ đô Hà Nội phải có sự đột phá về xây dựng chính quyền đô thị, trong phân cấp, phân quyền; cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực, tài chính, giao thông đô thị... Đồng thời, không đặt nặng sức ép về phát triển kinh tế.
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô, cụ thể hóa mục tiêu Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong nền kinh tế xanh, kinh tế số “có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”, cần sửa đổi, bổ sung một số vấn đề. Trong đó, bổ sung Điều 10: “Giao Hội đồng nhân dân thành lập, tổ chức, giải thể Sở Môi trường Hà Nội - là cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Hà Nội, và Đội quản lý trật tự xây dựng - môi trường (thêm môi trường so với dự thảo) là tổ chức hành chính tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố.
Lý giải đề xuất, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần thành lập Sở Môi trường cũng như Đội quản lý trật tự xây dựng - môi trường vì môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Thủ đô là của cả nước, cần có một Sở chức năng riêng biệt để quản lý môi trường, để Thủ đô xanh - sạch - đẹp, văn minh - văn hiến - hiện đại. Hiện nay, cán bộ quản lý môi trường Thủ đô rất ít, không đủ để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ. Hơn nữa, Luật Bảo vệ môi trường 2020 với các quy định mới về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, quản lý chất thải rắn, kinh tế tuần hoàn... đã phân cấp nhiều chức năng, nhiệm vụ mới cho các tỉnh, thành, quận, huyện...
Kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, ban soạn thảo sẽ tổng hợp để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.