Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục hành trình sáng tạo

Minh Ngọc| 26/09/2018 06:40

(HNM) - Từ những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy qua Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018, đội ngũ nhà giáo tiếp tục hành trình sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.

Lấy người học làm trung tâm

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động, việc làm phát triển theo hướng đa dạng, toàn diện, có sự cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng. Muốn vậy, người dạy nghề phải thực tâm, thực tài, thực nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo; chủ động lĩnh hội kiến thức, hoàn thiện kỹ năng, thái độ nghề nghiệp.

Các nhà giáo tiếp tục hành trình truyền lửa đam mê nghề nghiệp.


Với trách nhiệm truyền lửa đam mê, các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp luôn tìm tòi, học hỏi, kết hợp giữa kiến thức lý thuyết với thực tế để tìm ra phương pháp dạy nghề phù hợp nhất. Cô giáo Nguyễn Thị Hợp (Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng) cho biết, bài trình giảng “Đặt bàn ăn tối Âu kiểu chọn món” giúp cô giành giải Nhất tại Hội giảng là đề tài không mới, kiến thức không phức tạp. Điểm mới của bài giảng là ở phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, lấy hiệu quả làm mục đích. Thay vì chỉ truyền thụ cho học sinh, sinh viên những kiến thức lý thuyết, cô Nguyễn Thị Hợp thiết kế bài giảng sinh động, có kiến thức lý thuyết cơ bản, có hình ảnh dẫn nhập, có tình huống thực tế, lôi cuốn người học vào bài giảng.

Người đánh giá sản phẩm của người học không phải là giáo viên, mà là nhân vật giả định trong vai giám đốc nhà hàng của khách sạn cao cấp đi kiểm tra bàn ăn trước khi khách đến. Tình huống này thường xuyên xảy ra, nên cô giáo Nguyễn Thị Hợp muốn sinh viên của mình làm quen với thực tế trong từng tiết giảng. “Ngành Du lịch, nhà hàng, khách sạn đang phát triển nhanh, rất cần nguồn nhân lực có chất lượng, hội đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ. Với trách nhiệm là nhà giáo, tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, thiết kế các bài giảng mới, phù hợp với người học”, cô giáo Nguyễn Thị Hợp cho hay.

Lấy người học làm trung tâm, thầy giáo Phan Văn Hoàng (Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương I) chú trọng khai thác thái độ tích cực của người học trong từng bài giảng để họ chủ động lĩnh hội kiến thức. Trong bài trình giảng: “Lái xe ô tô ghép xe dọc vào nơi đỗ hạng C” giành giải Nhất tại Hội giảng, thầy Hoàng mở đầu bài giảng bằng những lời động viên ân cần để học viên bước lên xe với thái độ làm chủ phương tiện, sau đó mới phổ biến cho học viên những kiến thức thuộc về kỹ thuật, kỹ năng. Theo thầy Hoàng, với bất kỳ nghề nào, đặc biệt là nghề lái xe ô tô, thái độ tự tin, tinh thần chủ động, quyết tâm của người học là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công. Vì vậy, giáo viên cần tạo cho học viên tâm thế sẵn sàng trước khi bước vào nghề.

Kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học mới, tạo ra môi trường học tập tích cực, giúp học sinh, sinh viên phát huy tối đa tinh thần sáng tạo trong học tập cũng là “bí quyết” thành công của cô giáo Nguyễn Thị Ngân (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh); Thiều Thị Thương (Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định); Nguyễn Hữu Chỉnh (Trường Cao đẳng nghề số 4)…

Mang tri thức đến cộng đồng

Mục đích cao nhất của hoạt động giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng là đưa tri thức từ sách vở, từ giảng đường đi vào thực tế, lan tỏa trong cộng đồng. Hiểu rõ điều này, thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) lựa chọn các nội dung liên quan đến kỹ thuật kiểm tra và thay thế lốp xe ô tô để trình giảng. Bài giảng sử dụng kiến thức thực tế mang về cho thầy Trần Tuấn Anh giải Nhất cá nhân và giải “Giáo viên trẻ tỏa sáng về kỹ năng nghề và nghệ thuật sư phạm”.

Để sinh viên có điều kiện học tập tốt nhất, thầy Trần Tuấn Anh và đội ngũ giáo viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chế tạo, lắp ráp xe ô tô đưa sinh viên đến thực hành, hoặc mời chuyên gia giỏi đến trường giảng dạy. Ngoài ra, thầy Trần Tuấn Anh và các cộng sự còn mở xưởng sửa chữa, thay thế phụ tùng xe ô tô làm điểm thực hành ngoài giờ học cho sinh viên. Những kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành, nghề đào tạo cũng được thầy Trần Tuấn Anh đúc kết lại sao cho dễ nhớ, dễ hiểu để phổ biến cho sinh viên và những ai quan tâm. “Người dân sử dụng xe ô tô ngày càng nhiều, nên các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ô tô, nhất là lốp xe ô tô cần được phổ biến rộng rãi. Lốp xe ô tô hư hỏng, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông”, thầy Trần Tuấn Anh nhận định.

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở khu vực miền Trung thích hợp với cây keo lai, người dân đang mở rộng diện tích trồng cây này để phát triển kinh tế, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu (Trường Trung cấp nghề Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị) dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về cách thức ươm, trồng, chăm sóc cây keo lai. Những phát hiện thú vị về cây keo lai được cô Thu đưa vào bài giảng, truyền lại cho học trò và phổ biến cho cộng đồng qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu khẳng định: “Sau Hội giảng, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về giống cây keo lai, tìm ra những kiến thức mới, kỹ thuật mới để phổ biến rộng rãi”.

Những ví dụ nêu trên cho thấy, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 đã khép lại, nhưng hành trình sáng tạo của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vẫn luôn tiếp diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hành trình sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.