(HNMO) - Sáng 4-5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp hội Hà Nội) tổ chức hội nghị lần thứ hai, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp hội Hà Nội, dự thảo lần này đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 105/222 điều của Luật hiện hành. Dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 14 thuật ngữ. Tuy nhiên, còn nhiều thuật ngữ về công nghệ thông tin và loại hình tích hợp cả sáng tạo nghệ thuật và khoa học kỹ thuật là kiến trúc, đồ án quy hoạch chưa được đề cập thỏa đáng. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo Luật nên có quy định cụ thể về quyền tác giả trong trường hợp nguồn lực thực hiện các tác phẩm khoa học là nguồn ngoài ngân sách và bổ sung quy định về xử lý sai phạm phổ biến từ truyền thông.
PGS.TS Tô Duy Phương, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp hội Hà Nội cho rằng, việc xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra động lực mới, tạo điều kiện và thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, đăng ký, thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình để tạo ra giá trị gia tăng phục vụ cho nhu cầu phát triển khoa học - công nghệ.
Đáng chú ý, góp ý vào Khoản 32 Điều 1 dự thảo bổ sung Điều 89a về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài, PGS.TS Tô Duy Phương cho rằng, đây là quy định mới so với luật hiện hành, sẽ tác động đến các cá nhân, tổ chức có sáng chế muốn đăng ký tại nước ngoài. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân đăng ký vươn tầm quốc tế, cần cân nhắc, xem xét ở một số điểm sau: Về thủ tục xin xác nhận của cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp xác định sáng chế đó không phải là sáng chế mật thì cần thông báo loại sáng chế nào thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục này? Trong trường hợp sáng chế đã được xác định là sáng chế mật thì tổ chức, cá nhân có sáng chế sẽ vẫn được phép đăng ký khi “được cơ quan có thẩm quyền cho phép” là ngoại lệ thì cần quy định về những trường hợp nào thì được cơ quan có thẩm quyền cho phép?...
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội cho biết, những ý kiến góp ý của các đại biểu được tổng hợp và gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.