(HNM) - Sáng 21-12, Bộ Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) và triển khai công tác TĐKT năm 2018.
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà. Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận, biểu dương những kết quả quan trọng trong công tác TĐKT thời gian qua đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác đối ngoại. Kể từ khi thực hiện Luật TĐKT (từ 1-7-2004), vai trò của công tác TĐKT tiếp tục được khẳng định. Bộ Chính trị, Chính phủ, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương, chính sách, định hướng cho công tác TĐKT, đặc biệt là Chỉ thị số 34-CT/TƯ (ngày 7-4-2014) của Bộ Chính trị "Về việc tiếp tục đổi mới công tác TĐKT". Qua đó, công tác TĐKT đã đạt được nhiều tiến bộ, đổi mới, đáp ứng yêu cầu, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước...
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật TĐKT còn những vấn đề, nội dung cần được đánh giá đúng nguyên nhân tồn tại, tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Ban TĐKT Trung ương và các đơn vị, địa phương cần bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đột xuất. Cùng với đó là tăng cường cải cách hành chính về thủ tục hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành công tác TĐKT.
Các cấp, ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng công tác kiểm tra, thẩm tra chưa tốt, từ đó không để xảy ra tình trạng như thời gian qua có hiện tượng khen thưởng "cào bằng, luân phiên", chưa đúng thực chất, cá biệt có trường hợp khen thưởng tổ chức, cá nhân mắc sai phạm, khiến dư luận không đồng tình. Công tác TĐKT cũng cần khắc phục việc có nơi còn hình thức, việc phát hiện, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu; đối tượng khen thưởng là công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, chiến đấu chưa nhiều...
Về công tác TĐKT năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Ban TĐKT Trung ương, các ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác TĐKT. Công tác TĐKT cần có mục tiêu thiết thực, đột phá, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu, nhà khoa học có sáng kiến đóng góp thiết thực, doanh nghiệp có thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho cộng đồng.
Công tác TĐKT cần gắn với việc nâng cao đạo đức, kỷ luật thực thi công vụ, kết quả "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức trung thành, nghiêm túc, sáng tạo, gương mẫu gắn với xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Phó Chủ tịch nước yêu cầu Ban TĐKT cần làm tốt công tác tham mưu, chuẩn bị kế hoạch và thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực khác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018.
Theo báo cáo của Ban TĐKT Trung ương, từ khi thi hành Luật TĐKT, phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trong cả nước và đã từng bước đổi mới với nhiều hình thức, nội dung bám sát vào nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. 13 năm qua, đã có hơn 3.500 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 511 tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 13.872 trường hợp được nhận Cờ thi đua của Chính phủ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.