(HNMO) - Ngày 29-5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, 5 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn từ ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu cũng như tình hình kinh tế trong nước, song, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ, cụ thể là duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tuy Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa thông báo về lộ trình chấm dứt tăng lãi suất, nhưng từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để hỗ trợ quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong đầu năm 2023, trong đó, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm).
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, dự báo những tháng còn lại của năm 2023 còn nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; có chính sách tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường; chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.