Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã vượt khó thành công mặc dù kết quả tăng trưởng chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khách quan, đồng thời thể chế, chất lượng thực thi chính sách của cơ quan chức năng, chính quyền còn bất cập.
Các chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững hơn trong năm 2024.
Thiếu tính đột phá
Tính chung hai tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 49.300 đơn vị, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 10.000 đơn vị, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.... Các số liệu trên đã thể hiện rõ tình trạng khởi nghiệp cũng như sức sống của doanh nghiệp khi bước vào năm 2024, trong đó số đơn vị rút lui khỏi thị trường cao hơn hẳn số doanh nghiệp mới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, việc xuất hiện hay rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp là dễ hiểu xuất phát từ thực tế cạnh tranh và chọn lọc. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời và thực chất hơn từ hệ thống cơ quan chức năng.
Thời gian qua, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, nhiều quy định gây vướng mắc được kịp thời sửa đổi. Tuy nhiên, cải cách hành chính vẫn cần thực chất, hiệu quả, khi nhiều đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh thiếu tính đột phá, nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét…
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn thông tin, từ năm 2021 đến 2023, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh. Nhưng, một số phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh còn hình thức. Trong quá trình rà soát vẫn còn hiện tượng văn bản đang soạn thảo lại thêm "rào cản" mới.
Chủ động, nỗ lực cải cách
Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, năm 2024, cần tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, những bất cập về chất lượng các quy định pháp luật, thể chế liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cần được nhận diện, tháo gỡ một cách kịp thời.
"Hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất, thường xuyên hơn để làm tốt trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền; giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ nghe vấn đề”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tạo môi trường chính sách an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 5-1-2024) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động quản lý đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cơ chế "một cửa" quốc gia; nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, liên thông, chia sẻ dữ liệu; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Cụ thể, các bộ, ngành đang tích cực vào cuộc, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, Tổng cục Thuế tập trung tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; rà soát, báo cáo về chính sách thuế đối với hoạt động chế biến thủy sản nhằm hoàn thiện quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp... Tiếp theo là: Đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính; nhân rộng các kinh nghiệm, chính sách tốt; tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đại diện một số đơn vị đề xuất xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá quá trình triển khai các nhiệm vụ trên để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là áp dụng cơ chế tạo động lực khuyến khích các nỗ lực và sáng kiến cải cách hiệu quả; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Một số chuyên gia nhấn mạnh, sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Thủ tướng, thành viên Chính phủ là rất cần thiết để tạo áp lực, thúc đẩy quá trình cải cách, vì doanh nghiệp. Vì vậy, yêu cầu ở đây là trách nhiệm và chất lượng thực thi của hệ thống cơ quan chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.