(HNM) - Những năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành tập trung cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần phục vụ doanh nghiệp, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với mong muốn của doanh nghiệp thì vẫn cần phải có những cải cách thực chất, hiệu quả hơn nữa. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) về nội dung này.
- Bà có thể cho biết những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua?
- Trước hết, cần khẳng định, cải thiện môi trường kinh doanh (giảm thời gian, chi phí và rủi ro) cho doanh nghiệp là trọng tâm cải cách của Chính phủ. Từ năm 2014, hằng năm, Chính phủ liên tục ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (cụ thể là Nghị quyết số 19/NQ-CP được ban hành hằng năm, giai đoạn 2014-2018; Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020). Với Nghị quyết số 19/NQ-CP được ban hành năm 2014, lần đầu tiên chúng ta đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia theo tiêu chuẩn xếp hạng và thông lệ quốc tế...
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, riêng về kết quả, số lượng điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm trên thực tế là bao nhiêu, thưa bà?
- Tính chung đã có 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, chiếm hơn 50%. Về cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan giảm từ 30% (năm 2015) xuống còn 19% (hiện nay); danh mục các mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng được cắt giảm, từ 82.698 mặt hàng (năm 2015) xuống còn 70.087 mặt hàng (hiện nay), tương đương cắt giảm 15%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của CIEM, tỷ lệ điều kiện kinh doanh cắt giảm thực chất chỉ đạt 30-40%. Còn tình trạng bộ, ngành thực hiện đối phó, chỉ để lấy chỉ tiêu, chỉ cắt giảm những quy định nhỏ nên chưa thật sự có giá trị lớn, không giải quyết được hết những bất cập thực tiễn.
- Theo bà, lĩnh vực nào đạt kết quả cao nhất trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính? Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thế nào về kết quả cải cách?
- Lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng, cải cách theo thông lệ quốc tế là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Với việc ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 thay thế Nghị định số 38/2012/ NĐ-CP ngày 25-4-2012 của Chính phủ về quản lý an toàn thực phẩm là sự chuyển biến tích cực về tư duy quản lý như áp dụng quản lý rủi ro, tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm, cách thức quản lý minh bạch, tăng tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Tuy vậy, mức độ cải cách vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát chung về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại với doanh nghiệp khi có 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó 34% doanh nghiệp phản hồi gặp khó khăn khi xin giấy phép. Như vậy, gánh nặng trên vai doanh nghiệp dù có giảm, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn để đáp ứng nhu cầu thực tế.
- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ đã đề ra những mục tiêu cụ thể năm 2020. Theo bà cần chú trọng những giải pháp nào?
- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đã đề ra những mục tiêu tổng quát và cụ thể nhằm cải thiện thứ bậc trong các bảng đánh giá của thế giới, qua đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động, phát triển. Đáng chú ý, Chính phủ phấn đấu môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) tăng 10 bậc; năng lực cạnh tranh (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới) tăng 5 bậc; chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) tăng 10-15 bậc…
Để đạt được mục tiêu trên, theo tôi, các bộ liên quan cần làm tốt các nhiệm vụ như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền mức độ 4; cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường...
Với sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tôi tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp phát triển tốt hơn, góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.