(HNM) - Muộn hơn thường lệ, Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra ngày 18-2 qua 6 đầu cầu truyền hình trong cả nước. Tuy không quá
Hồ sơ ảo giảm đáng kể
Thí sinh làm bài thi tại điểm thi Trường Đại học Ngoại thương (kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010). Ảnh: Viết Thành
Nhìn lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010, đại diện Bộ GD-ĐT nhận định đó là kỳ thi nghiêm túc, diễn ra trật tự, an toàn và đúng quy chế. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đề thi các môn đều nằm trong chương trình THPT, không quá dài, không quá khó, có tính phân loại cao. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ ảo đã giảm đáng kể. Trong 3 đợt thi ĐH, CĐ, có 321 lượt trường tổ chức thi. Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi là hơn 2,08 triệu, giảm 10,8% so với năm 2009. Số thí sinh (TS) thực tế đến dự thi đạt 76,3%, tăng 7,1%. Bộ GD-ĐT cho rằng TS đã cân nhắc kỹ hơn, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp đã có tác dụng tích cực đến việc đăng ký dự thi của TS.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng chất lượng đầu vào của các trường đã được cải thiện nhờ chất lượng giáo dục THPT, nhất là năm cuối cấp đã được nâng lên đáng kể. Chứng minh điều này, Thứ trưởng Ga lập luận: Điểm sàn các khối thi năm 2010 bằng điểm sàn tương ứng năm 2009. Số lượng đạt điểm sàn cũng tương đương, dù đề thi năm 2010 tương đối khó hơn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Trong đó, đáng lưu ý có việc một số trường xét tuyển các ngành, trình độ đào tạo chưa được giao mở ngành, tuyển không đúng khối thi đã đăng ký, nhân hệ số các môn thi trước khi tính điểm sàn, tự ý vận dụng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh (Trường CĐ Bách khoa Đà Nẵng, Trường CĐ Tư thục Đức Trí, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng...). Nhiều trường xác định điểm trúng tuyển không hợp lý, số lượng TS nhập học thực tế vượt quá nhiều so với chỉ tiêu đã xác định, vượt quá năng lực của trường, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trường CĐ Kinh tế - Công nghiệp Hà Nội...). Điều gây bức xúc dư luận là một số trường gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho TS không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, thông báo nhận hồ sơ trước thời gian quy định, gửi giấy báo trúng tuyển ngay khi TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà...).
Xử lý kiên quyết và dứt điểm sai phạm
Để giữ vững kỷ cương, nền nếp trong công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm các sai phạm. Theo đó, có 2 trường đã bị tạm ngừng tuyển sinh năm 2010. Đặc biệt, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính và khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 đối với những trường tuyển vượt trên 15% chỉ tiêu đã được thông báo. Với các trường có hai năm liền tuyển vượt trên 15% chỉ tiêu, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường phải chịu xử lý theo quy định. Các trường xét tuyển TS vào học những ngành chưa được giao nhiệm vụ đào tạo phải chuyển TS sang ngành khác cùng khối thi. Các trường tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số, dẫn đến gọi nhập học TS có kết quả thi dưới điểm sàn thì phải chuyển những TS đó xuống học trình độ thấp hơn.
Năm 2011, nhằm siết chặt kỷ luật tuyển sinh, Bộ đã bổ sung chế tài xử lý với hình thức cảnh cáo đối với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm các lỗi như: gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho TS không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển không đúng thời gian quy định, hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định, tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số…
Đại diện nhiều trường tỏ ý đồng tình với quyết định nói trên. Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính Thái Nguyên và Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cùng nhấn mạnh: Không chỉ có cán bộ, chính các hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng tuyển sinh của trường có vi phạm phải là người bị xử lý trước tiên.
“3 chung” vẫn được đồng thuận cao
Liên quan tới ý kiến có thể gộp kỳ thi CĐ với ĐH, đại diện nhiều trường thể hiện mong muốn tổ chức thi riêng như hiện nay. Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ông Từ Quang Hiển khẳng định: giữ nguyên là phù hợp bởi số lượng trường CĐ lớn, lượng TS rất nhiều.
Để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh mà không vi phạm quy chế, ông Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng kiến nghị: Thay vì khống chế mức tuyển vượt chỉ tiêu là 15% như hiện nay, Bộ nên nới thành 20% cho các trường CĐ, bởi các trường CĐ gặp khó khăn hơn các trường ĐH trong việc xác định điểm trúng tuyển. Chia sẻ với ý kiến này, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính và Quản trị kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thanh Vân còn kiến nghị Bộ cho phép chốt số lượng TS nhập học sau một năm để có số lượng thực tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng ý kiến này không thực tế, bởi việc tuyển sinh mang tính thời điểm, kể cả chốt sau vài năm thì số lượng vẫn có thể thay đổi.
Các trường cũng hoan nghênh chủ trương mới của Bộ về việc mở rộng cửa đối với SV nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục hành chính (bỏ quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” khi nhập học)...
Có khá nhiều ý kiến trái ngược trong việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3. Có trường yêu cầu phải giữ kín tuyệt đối thông tin danh sách TS đăng ký khi chưa hết hạn đăng ký. Còn ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội kiến nghị: Thay vì quy định “giờ G” mới công khai danh sách đăng ký, các trường nên công bố công khai có bao nhiêu người đăng ký ở mỗi thời điểm, như vậy tốt cho TS. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận ý kiến này, song theo ông, vấn đề quan trọng là bảo đảm tinh thần công khai, có sự giám sát chặt chẽ, tránh tiêu cực, để giúp TS có cơ hội lựa chọn, không phải phập phồng chờ đợi.
Gần 10 năm kể từ khi áp dụng hình thức thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), đa số đại biểu đều cho rằng hình thức “3 chung” là tối ưu ở thời điểm này, giảm được tiêu cực, phân loại được TS, đánh giá được mặt bằng các trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.