Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho ước mơ đến trường

Bài và ảnh: Nguyên Hoa| 12/11/2011 05:48

(HNM) - Cũng như nhiều xã vùng cao biên giới, học sinh xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường. Đi học xa, thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả chỗ ở khiến nhiều em buộc phải từ bỏ giấc mơ học cái chữ.


Học sinh Trường PTDT bán trú Nà Bủng.

Cuối tháng 10-2011, bộ đội biên phòng, tỉnh Điện Biên khánh thành và đưa vào sử dụng công trình nhà bán trú dân nuôi cho học sinh Trường PTDT bán trú Nà Bủng trị giá gần 300 triệu đồng do các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, trong đó có Hội Nhà báo Hà Nội. Món quà hy vọng góp phần chia sẻ gánh nặng cho học sinh nơi đây, giúp các em thực hiện ước mơ đến trường.

Nà Bủng là một xã vùng sâu nằm trên núi cao của huyện Mường Nhé - huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên với 1.032 hộ, 6.832 nhân khẩu sinh sống tại 17 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ đói nghèo chiếm 70%. Địa bàn rộng, chỉ có 3 bản ở gần trường, nhiều bản xa trung tâm xã 30-40km đi lại khó khăn nên học sinh không thể đi về trong ngày. Thầy Dương Duy Dần, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Nà Bủng cho biết: Toàn trường có 625 học sinh cần ở nội trú, nhưng hiện tại trường mới có 5 gian nhà bán trú được tận dụng từ phòng học, nên chỉ 80 học sinh thuộc diện mồ côi, gia đình khó khăn, quá nhỏ… được ăn ở tại trường. Hiện, ven trường vẫn có hàng chục chiếc lều tạm do dân tự làm đang là nơi ăn nghỉ của gần 500 học sinh. Những chiếc lều tạm này chật chội, thiếu ánh sáng, không có bàn ghế, thiếu công trình vệ sinh, không an toàn khi mưa bão. Mới đây nhà trường đã xây dựng được một bể nước phục vụ việc nấu ăn, tắm giặt của các em nên không còn cảnh học sinh phải vào rừng tắm suối và cõng nước về nấu ăn. Thầy Dương Duy Dần cho biết thêm: "Học sinh vùng cao vốn đã bé nhỏ, không chỉ phải đi bộ trên 30km đường rừng mỗi khi về thăm nhà mà đến khi quay về trường các em còn phải cõng trên vai khoảng 10kg gạo để cho những tuần học sắp tới. Bởi vậy, Ban giám hiệu đã phân công mỗi giáo viên phụ trách một bản, ngoài việc vào bản đôn đốc học sinh đi học, giáo viên còn có nhiệm vụ giúp học sinh mang lương thực đến trường".

Trong gian nhà bán trú làm bằng gỗ tận dụng làm phòng ở cho học sinh thuộc diện chính sách của xã Nà Bủng, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những nồi cơm còn chơ vơ cái thìa và nồi canh lõng bõng nước. Cô bé Mùa Thị Mây, người dân tộc Mông, 11 tuổi, học sinh lớp 7A3 duyên dáng với lúm đồng tiền, giọng phổ thông còn chưa sõi, Mây kể: "Nhà con xa lắm, cuối tuần học xong về nhà phải đi bộ từ 8 giờ sáng có hôm 12 giờ về đến nhà, nhưng trời mưa hoặc nước suối lên cao thì phải đến 2 giờ chiều mới có mặt ở nhà. Tuần nào về mẹ cũng cho gạo và rau mang đi học".

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên về "Xây dựng nhà bán trú dân nuôi", từ năm 2009, được sự giúp đỡ của BĐBP, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, Trường PTDT bán trú Nà Bủng đã làm được một dãy nhà bán trú dân nuôi gồm 5 phòng ở, sức chứa 80 học sinh. Đường sá xa xôi nên giá nguyên vật liệu ở đây rất đắt, bởi vậy BĐBP luôn tận dụng những gì sẵn có của núi rừng để làm nhà cho học sinh. Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Chính trị viên đồn BP Nà Bủng chia sẻ: "BĐBP phải đi bộ 18 cây số vào rừng lấy gỗ, nếu gặp mưa rừng lại phải chui vào gầm ô tô trú mưa. Có hôm vì mưa không ra được, bộ đội phải nhịn ăn đi bộ thêm 8km nữa mới về tới đơn vị. Vất vả là thế nhưng ai cũng mong sẽ có thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng hướng về Nà Bủng để các cháu sớm ổn định chỗ ăn, chỗ ở trong quá trình học tập".

14 phòng của Trường PTDT bán trú Nà Bủng vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 10 vừa qua đã nâng tổng số nhà ở bán trú của trường lên 23 phòng, góp phần giải quyết chỗ ăn, ở cho gần 200 học sinh. Tại lễ bàn giao, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, Trần Anh Tuấn cảm ơn sự giúp đỡ của các đơn vị đã ủng hộ kinh phí và công sức xây dựng nhà bán trú dân nuôi và bày tỏ mong muốn để hơn 600 học sinh của trường được vào ở nội trú vẫn cần lắm những tấm lòng hảo tâm của các "mạnh thường quân" trong và ngoài tỉnh. Thầy Hiệu trưởng Dương Duy Dần cho biết, chỉ nay mai thôi trường sẽ tuyển người nấu ăn cho các cháu để cả học sinh được ở bán trú lẫn học sinh đang ở trong lều tạm ven trường đều được ăn uống bảo đảm.

Ngày về Nà Bủng, chúng tôi đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, quê Hòa Bình lên đây dạy học. Đây là năm đầu tiên cô giáo Hà đến với bà con vùng cao. Vài bộ quần áo, cái mũ, đôi giày vải, vài tờ báo cũ, sách, vở, phấn bút là hành trang gọn nhẹ của một giáo viên cắm bản. Nhưng tôi biết, cùng với hành trang ấy là nghị lực và quyết tâm của cô giáo trẻ độ tuổi 20 những mong cùng với đồng nghiệp góp phần "xây" ước mơ cho học sinh của mình là vươn cao, vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho ước mơ đến trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.