(HNM) - Từ đầu năm đến nay, công tác Hội Nông dân và phong trào nông dân thành phố Hà Nội phát triển khá toàn diện, vững chắc, tạo sự chuyển biến về nhiều mặt, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhằm tiếp sức cho hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể, thiết thực… Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê.
- Xin ông cho biết, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố như thế nào?
- Từ đầu năm đến nay, cùng với việc củng cố nâng cao hiệu quả tổ chức, công tác hội, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 20-10-2009 của UBND thành phố Hà Nội về “Tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội”... Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đã giải ngân 280 dự án với số tiền hơn 104,3 tỷ đồng cho 5.006 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh…
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân thành phố cũng đã xây dựng 211 mô hình tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân; phối hợp tổ chức hơn 1.100 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân, cán bộ hợp tác xã... Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố đã phát động nông dân đăng ký xây dựng 443 mô hình kinh tế tập thể; đồng thời chú trọng đến các hoạt động tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân...
- Theo ông, hiện nay khó khăn của nông dân trong phát triển sản xuất kinh doanh là gì?
- Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, nông dân Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất của hộ nông dân còn manh mún; chưa liên kết với nhiều doanh nghiệp để phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, đa số hộ nông dân thiếu vốn dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao hoặc chuyển đổi sang nghề mới... Trong khi đó, vốn tín dụng của các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế mới đến được các hộ trung bình và kinh tế khá; mức cho vay vốn thường thấp hơn so với nhu cầu cần vay vốn của nông dân. Chưa kể, thời gian xét duyệt dài, hồ sơ vay vốn còn rườm rà, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của nông dân. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó khăn trong tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và phương pháp sản xuất mới…
- Để hỗ trợ, tiếp sức cho nông dân trong phát triển sản xuất kinh doanh, Hội Nông dân thành phố sẽ triển khai nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
- Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; phối hợp với chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT thành phố Hà Nội triển khai các văn bản về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Về việc này, 6 tháng đầu năm 2019, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng dư nợ đạt hơn 1.964 tỷ đồng; phối hợp với chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT thành phố Hà Nội hỗ trợ nông dân vay vốn với dư nợ đạt hơn 1.449 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, an toàn. Hội Nông dân thành phố phối hợp với các doanh nghiệp, Hội Nông dân các huyện, thị xã tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm thuộc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội, các sở, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước…
- Ông đã từng nhấn mạnh, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục có những chương trình hành động để các cấp hội thực sự là người đồng hành tin cậy của nông dân. Vậy chương trình hành động đó là gì, thưa ông?
- Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục xây dựng tổ chức theo phương châm: “Trong sạch, vững mạnh với tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, vì hội viên, vì nông dân, tích cực xây dựng nông thôn mới”. Song hành, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; tiếp tục tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ việc làm cho nông dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp hội trong phát triển sản xuất nông nghiệp; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Mặt khác, Hội chú trọng mở rộng, tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực với mục tiêu hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng đời sống nông dân…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.