(HNM) - Khi tiếng ve ngân vang báo hiệu hè về cũng là lúc kết thúc một năm học với biết bao buồn vui của tuổi học trò.
Nhận bằng khen và phần thưởng về thành tích học tập, 2.300 học sinh nghèo, học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi ở 63 tỉnh, thành phố lại có thêm niềm vui khi được nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN). Những suất học bổng là sự khích lệ rất lớn về tinh thần để các em tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Các em học sinh nghèo hiếu học nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. |
Vui vẻ và hoạt bát, đó là ấn tượng khi chúng tôi tiếp xúc với Lường Thị Ngắm, sinh năm 1998, ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khi em về Thủ đô nhận học bổng của Quỹ BTTEVN. Ngắm mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bị khuyết tật, gia đình em được xếp vào diện nghèo nhất nhì ở địa phương. Nhiều lúc, cuộc sống quá khó khăn, mẹ Ngắm định cho em nghỉ học. Thương mẹ, Ngắm càng quyết tâm học. 7 năm qua, em đều là học sinh khá giỏi, luôn nằm trong tốp đầu của lớp về thành tích học tập. Nhận suất học bổng trị giá 1 triệu đồng do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao, Ngắm xúc động: "Đây là số tiền quá lớn đối với gia đình em mà có nằm mơ, em và mẹ cũng không bao giờ nghĩ đến".
Em Nguyễn Thị Lan, học sinh lớp 7 Trường THCS Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mồ côi bố khi chưa đầy 1 tuổi, mẹ và em đều mắc bệnh tim nên sức khỏe rất yếu. Dẫu vậy, em không ỷ lại, tan học là vội vã về nhà nấu cơm, giúp mẹ việc nhà. Lan bảo, mẹ em cực khổ nhiều rồi, em còn nhỏ không biết làm gì hơn ngoài việc giúp mẹ làm việc nhà và cố gắng học thật giỏi để mẹ vui, sống khỏe lo cho em ăn học. Vượt qua khó khăn, 7 năm học Lan đều đạt học sinh giỏi. Năm học 2009-2010, em đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toán cấp huyện. "Mẹ không có tiền nên em cũng không dám đi học thêm", Lan chia sẻ. Em bảo, mơ ước lớn nhất của em là học thật giỏi, sau này trở thành bác sĩ để chữa khỏi bệnh cho mẹ.
2.300 em được nhận học bổng của Quỹ BTTEVN là 2.300 số phận éo le, em thì mất cha, em không còn mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Để có tiền ăn học, nhiều em phải đi bán vé số, đánh giày. Nhưng trong nghịch cảnh, các em vẫn nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ cháy bỏng thoát nghèo bằng con đường học tập, duy trì được ý chí, nghị lực vươn lên học giỏi. Em Trần Văn Thịnh, sinh năm 1996, ở huyện Thái Thụy, Thái Bình tâm sự: "Cha em mất sớm, mẹ lại rất yếu. Em luôn nghĩ mình phải cố gắng học cho thật tốt để không phụ lòng mẹ và mong sau này có việc làm ổn định để đỡ đần mẹ lúc tuổi già". Em Hoàng Hữu Vương, sinh năm 2001, ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình xúc động: "Học bổng không chỉ giúp em giảm bớt phần nào khó khăn mà còn thôi thúc em cố gắng hơn nữa trong học tập để không phụ lòng tốt và sự tin tưởng của mọi người".
Từ năm 1994, Quỹ BTTEVN cấp học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, học giỏi để khuyến khích, động viên các em đến trường, coi đó là hoạt động ưu tiên. Sau 17 năm, chương trình đã cấp hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh là con thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trong đó nhiều em đã trưởng thành, trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Hoạt động hiệu quả, có uy tín nên chương trình nhận được sự giúp đỡ, tài trợ của rất nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, đó là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, Công ty Kinh Đô miền Bắc, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty cổ phần Bánh kẹo Tràng An, Bảo Việt Nhân thọ, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Chevron Việt Nam... Tại buổi lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây tại Hưng Yên, Quỹ đã tiếp nhận gần 22 tỷ đồng ủng hộ của 14 đơn vị trong và ngoài nước. Điều đó có nghĩa sẽ có thêm nhiều trẻ em nghèo hiếu học nhận được sự hỗ trợ để tiếp tục vượt qua khó khăn.
Tháng hành động Vì trẻ em (1/6-30/6), Quỹ BTTEVN tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.