Trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ tháng 12-1974, lãnh đạo Bộ Công an đã có chủ trương “Công an chi viện và tiến hành giải phóng miền Nam”. Những ngày đầu tháng 5-1975, trong những cán bộ An ninh vào tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ngụy ngày đầu giải phóng có Thiếu úy Phạm Minh Tân, chiến sĩ tăng cường của Bộ Công an, nay là Thượng tá Phạm Minh Tân, cán bộ Phòng PA21 (Công an thành phố Hà Nội). Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh nhớ về những ngày vinh dự được đứng trong hàng ngũ đoàn quân chiến thắng...
Chiếm Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia Nguỵ
Thượng tá Phạm Minh Tân nhớ lại: “Ngày đầu tiên khi nghe lãnh đạo ngành Cảnh sát nhân dân (CSND) phổ biến rằng chúng tôi sẽ được lên đường vào Nam, anh em không khỏi bất ngờ. Mình đã được nhận nhiệm vụ, đã được trở thành “anh giải phóng quân”. Tôi và một đồng chí nữa cùng lẩm nhẩm một câu thơ: “Trai Hà thành trở thành anh giải phóng/ Mũ tai bèo, dép lốp áo quần xanh”... Mộc mạc vậy mà đẹp đến nao lòng.
“Ngày nhận nhiệm vụ tôi 20 tuổi, trẻ nhất đoàn. Có người hỏi tâm trạng tôi như thế nào, tôi trả lời, lúc ấy hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân, nhất là lớp đàn anh đi trước cao quý lắm... Tôi chợt nhớ về gia đình, chỉ mong được báo tin về rằng tôi được ra tiền tuyến. Tuy nhiên lúc ấy, theo nguyên tắc bảo đảm bí mật, chúng tôi không được phép về thăm nhà dù chỉ chốc lát.
Đoàn chúng tôi có 35 người. Đầu tháng 4-1975, chúng tôi bắt đầu hành quân, được phát dép lốp, mũ tai bèo, bao gạo... Với hành trang của người lính và tâm trạng háo hức của tuổi trẻ, chúng tôi lên đường vào chiến trường.
Hành quân được hơn 1 tuần, khi mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn thì chúng tôi cũng đã ở ven đô. Đất nước được thống nhất, hình ảnh mới lạ đập vào mắt chúng tôi là cầu Sài Gòn. Trên đó đầy rẫy mũ, giày, áo lính... mùi khói đạn nồng nặc xen lẫn mùi xác chết của lính ngụy. Vào nội thành, nhiệm vụ của chúng tôi là vào tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ngụy. Yêu cầu lúc ấy đặt ra là ổn định tổ chức, phối hợp với lực lượng An ninh miền (Bí danh T4). Chúng tôi cùng với T4 làm nhiệm vụ ổn định tổ chức và tuyên truyền cho nhân dân Sài Gòn hiểu chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng, tham gia giữ gìn ANTT. Tình hình Sài Gòn sau giải phóng rất phức tạp, hòa bình rồi nhưng đâu đó vẫn còn tiếng súng trong đêm do cướp bóc. Nhiệm vụ tiếp theo là triệu tập sĩ quan, binh lính ngụy ra trình diện để đưa đi học tập... Đặc biệt là một số phần tử thù địch, thành phần lẩn trốn.
Ngày 15-5-1975, chúng tôi vinh dự được nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh để đón đoàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ Hà Nộivào. Muốn nắm tình hình, chúng tôi phải hóa trang để trinh sát.Thếnhưng tôi và một số chiến sĩ khác chưa có tiền để mua quần áo dân thường, tư trang toàn là mũ tai bèo, dép lốp của quân giải phóng. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ... Công việc cứ ngày này qua ngày khác, rất bận rộn. Đến năm 1977, tôi được chuyển về công tác ở Công an thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1985, tôi mới “hành quân” ra Bắc, công tác tại CATP Hà Nội”.
Trong 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, trong ngày vui của toàn dân tộc, ký ức của Thượng tá Phạm Minh Tân về những ngày cùng đồng đội nô nức lên đường vẫn không hề phainhạt. Tình cảm trong sáng cùng với nhiệt huyết của người chiến sĩ CAND 30 năm trước vẫn còn nguyên vẹn, nhắc anh cùng các cán bộ chiến sĩ An ninh Hà Nội hằng ngày nâng cao cảnh giác, góp phần bảo đảm ANCT, TTATXH của Thủ đô.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.