Cách đây 60 năm, 7 giờ sáng ngày 25-8-1945 từ Đài phát thanh Đa Kao - Sở dây thép Sài Gòn, hiệu thính viên Nguyễn Văn Phẩm đánh bức điện về Thủ đô Hà Nội vỏn vẹn 18 chữ: “Sài Gòn đã giành chính quyền thắng lợi, cả thành phố đang xuống đường biểu dương lực lượng”. Rồi gần 29 năm 7 tháng sau (ngày 30-4-1975) báo vụ viên Trịnh Minh Tân đánh bức điện của đồng chí Võ Văn Kiệt gửi Thường vụ TƯ cục miền Nam “... Chúng tôi đã nhận được tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, chúng tôi chuẩn bị vào”.
Một cụm đài thông tin "R" tại căn cứ Tây Ninh - 1974
Trong khí thế thần tốc, lực lượng Thông tin liên lạc (TTLL) được TƯ Cục giao cấp bách, khẩn trương chuẩn bị tiếp quản các cơ sở bưu chính, viễn thông của chính quyền cũ tại Sài Gòn, giữ vững thông tin 24/24 tuyệt đối không để gián đoạn, phục vụ sự chỉ đạolãnh đạo của các cấp chỉ huy trong việc tiếp quản. Vả lại người dân thành phố hơn lúc nào hết rất cần thông tin liên lạc với người thân.
Đồng chí Nguyễn Thành Danh (Sáu Đại), Trưởng ban Thông tin TƯ Cục- được phân công giữ vai trò Tổng chỉ huy tiếp quản các cơ sở viễn thông tại Sài Gòn - Gia Định. Ngành Giao bưu vận do đồng chí Trần Thắng Minh (Hai Minh), Phó trưởng ban Giao bưu Trung ương Cục, Tổng chỉ huy về tiếp quản các cơ sở Bưu chính.
Tiếp quản Đặc khu Sài Gòn - Gia Định có 2 tiểu ban: mũi về Bưu điện Sài Gòn (nay là Trung tâm Bưu điện TP.HCM) do đồng chí Trần Văn Thâm (Ba Cao), Phó trưởng ban Giao bưu Trung ương Cục phụ trách. Đoàn gồm 30 người, trong đó có 5 cán bộ ở Tổng cục Bưu điện từ Hà Nội tăng cường do đồng chí Nam Sơn phụ trách. Các cơ sở viễn thông do Trưởng ban Thông tin vô tuyến điện Khu Sài Gòn - Gia Định Phạm Công Yên (Tám Tân) phụ trách và với sự chỉ huy trực tiếp của Phó bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Thành Thơ (Bảy Thơ).
24 giờ ngày 30-4-1975, sau một ngày hành quân vất vả, với khí thế thần tốc, tiến về Sài Gòn,đoàn đồng chí Ba Cao đã có mặt tại Bưu điện Sài Gòn theo đường giao liên công khai và đặc biệt có sự hỗ trợ của bộ phận nội tuyến.
Công tác tiếp quản diễn ra trong trật tự hết sức nhanh chóng. Sáng ngày 1-5-1975, đồng chí Ba Cao thông báo tạm thời vẫn áp dụng mọi thể lệ quy định như cũ trong giao dịch, dùng con tem cũ, khắc con dấu mới với tiêu đề “30.4.1975” đóng lên các bì thư, bưu phẩm, bưu kiện. Cùng thời gian này việc tiếp quản Bưu điện Gia Định, Chợ Lớn đã diễn ra nhanh chóng trọn vẹn.
Nhắc đến những sự kiện trên đây cho thấy khí thế xuống đường sôi sục, dũng mãnh, thần tốc từ những ngày đầu giành chính quyền tổng tiến công nổi dậy - Mậu Thân 1968 cho đến kết thúc trọn vẹn chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân ta, đều có dấu ấn âm thầm lặng lẽ đầy vẻ vang của ngành Giao bưu - Thông tin, nay đã đi vào lịch sử của Ngành Bưu điện Việt Nam.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.