Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp nước hiệu quả qua cống Cẩm Đình

Kim Nhuệ| 15/10/2018 06:43

(HNM) - Tìm giải pháp lấy nước hiệu quả qua cống Cẩm Đình, cấp đủ nguồn cho lưu vực sông Đáy phục vụ phát triển nông nghiệp, dân sinh... là nhiệm vụ cấp thiết đối với các bộ, ngành, địa phương hiện nay.

Cống Cẩm Đình mùa kiệt không đủ nước tiếp nguồn vào sông Đáy.


Nằm trên tuyến đê Vân Cốc, thuộc địa phận xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), cống Cẩm Đình được khởi công xây dựng năm 2002 và hoàn thành vào năm 2004. Cống có nhiệm vụ chủ động đưa nước từ sông Hồng qua kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận tiếp nguồn cho lưu vực sông Đáy trong mùa kiệt (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau), với lưu lượng 36,24m3/s; đưa nước thường xuyên trong mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10), với lưu lượng 70m3/s, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình trong lưu vực sông Đáy…

Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong 4 năm gần đây, trung bình số ngày cống Cẩm Đình hoạt động đúng thiết kế chỉ đạt 137 ngày/năm; trong đó có 30 ngày vào mùa kiệt…

Cụ thể, mùa kiệt năm 2016, cống Cẩm Đình không thể hoạt động do mực nước sông Hồng thấp hơn đáy cống; còn vào mùa lũ, cống Cẩm Đình chỉ có 19 ngày đủ nước để hoạt động nhưng lưu lượng cao nhất chỉ đạt 35,9m3/s.

Năm 2017, mùa kiệt có 13 ngày nước sông Hồng đi qua cống, lưu lượng cao nhất đạt 22,3m3/s; mùa lũ có 39 ngày, lưu lượng cao nhất là 68,2m3/s. Mùa mưa lũ năm nay, cống Cẩm Đình có 32 ngày hoạt động, lưu lượng cao nhất là 43,3m3/s...

Do thiếu hụt nguồn cấp nên nhiều công trình lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đáy bị “treo”; một số dòng sông trong lưu vực bị ô nhiễm… Theo Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN& PTNT), có nhiều nguyên nhân khiến cống Cẩm Đình không thể cấp nguồn cho sông Đáy đúng lưu lượng thiết kế. T

hứ nhất, cống Cẩm Đình được xây dựng từ nhiều năm trước, khi đó trên sông Hồng chưa xuất hiện hiện tượng hạ thấp mực nước và cống Cẩm Đình được thiết kế lấy nước ở cao trình 3m. Tuy nhiên, việc phát triển thượng nguồn và khai thác cát lòng sông… đã làm hạ lòng dẫn, kéo giảm mực nước sông Hồng. Thứ hai, lòng dẫn phía hạ lưu cống bị bồi lắng cũng khiến tốc độ lưu thoát dòng chảy suy giảm…

Trước thực trạng này, Viện Quy hoạch thủy lợi đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp: Cải tạo, hạ thấp đáy cống Cẩm Đình; nạo vét lòng dẫn sông Đáy. Bên cạnh đó là xây dựng đập dâng trên sông Hồng, cách cống Cẩm Đình khoảng 3km về phía hạ du, với cao trình 5m để nâng mực nước sông Hồng lên mức thiết kế của cống. Nếu thực hiện giải pháp này, lưu lượng sông Hồng vào cống Cẩm Đình sẽ tăng lên khoảng 23m3/s…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, cải tạo cống Cẩm Đình theo hướng hạ thấp lòng dẫn là giải pháp khó, vì dù có hạ thấp đáy cống nhưng toàn bộ lòng dẫn sông Đáy không hạ thấp thì cũng không lấy được nước. Đối với giải pháp tiếp nguồn sông Đáy qua cống Lương Phú, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, nếu thực hiện cùng với giải pháp quản lý môi trường sẽ cải thiện rất lớn cho nhiệm vụ tiếp nguồn của cống Cẩm Đình…

"Để nâng cao hiệu quả hoạt động của cống Cẩm Đình, bổ sung nguồn nước cho lưu vực sông Đáy, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu giải pháp xây dựng các đập dâng ở phía dưới cống Lương Phú. Nếu làm đập dâng này, năng lực lấy nước của cống Lương Phú sẽ tăng lên rất nhiều, hoàn toàn đáp ứng đủ năng lực cấp nguồn còn thiếu cho sông Đáy…" - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nước hiệu quả qua cống Cẩm Đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.