Trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm. Với họ, đây không chỉ thể hiện tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn là cách tiếp “lửa” cho thế hệ trẻ noi theo.
Dám nghĩ, dám làm
Đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mai Động (quận Hoàng Mai), Bí thư Chi bộ 7 kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 10, cựu chiến binh Vũ Đức Chiêu nhận thấy, trong quá trình triển khai công việc, nếu thực hiện một cách máy móc, không có biện pháp thông tin, vận động linh hoạt thì rất khó thành công.
Vì vậy, năm 2020, ông đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo” để xóa các điểm tập kết rác thải. Hằng ngày, ông dậy từ 5h sáng để quét dọn, vệ sinh toàn bộ ngõ 92 phố Mai Động và động viên bà con ở hai bên ngõ cùng tham gia. Ông còn vận động cư dân trong khu phố cùng làm bức tranh tường dọc ngõ 108 phố Mai Động với 14 tiểu cảnh nhằm truyền tải thông điệp về đô thị văn minh sáng, xanh, sạch, đẹp.
“Khi mới bắt đầu làm, bà con cũng băn khoăn, cho rằng sẽ là “đẽo cày giữa đường”, bởi lúc đó chúng tôi không có quỹ, không am hiểu về hội họa. Tuy nhiên, được sự khích lệ của nhân dân, sự vào cuộc của tập thể nên chúng tôi đã vận động bà con ủng hộ được hơn 50 triệu đồng góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bức tranh tường so với kế hoạch đặt ra”, cựu chiến binh Vũ Đức Chiêu chia sẻ.
Ngoài ra, ông cùng với cấp ủy tuyên truyền, vận động được hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn mở lối thoát hiểm; mua sắm vật dụng cần thiết để phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (đạt trên 80% số hộ).
Với cựu chiến binh Phùng Xuân Cư (xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ), sau gần 30 năm công tác trong quân đội, khi nghỉ hưu về địa phương, từ năm 1991 đến năm 2005, ông liên tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hữu Văn. Quá trình công tác, ông đã cùng tập thể lãnh đạo xã mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng sắn trên đất đồi gò sang trồng cây ăn quả cho thu nhập gấp 5 lần so với trồng sắn.
Với mong muốn giúp nhân dân có vốn phát triển kinh tế, ông huy động những người có tiềm lực kinh tế tham gia xây dựng Quỹ Tín dụng nhân dân Hữu Văn. Dư nợ của quỹ đến thời điểm này là gần 200 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã giúp người dân trong xã có vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Hay như cựu chiến binh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) luôn tiên phong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của những thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cựu chiến binh, thương binh 4/4 Nguyễn Văn Dung, ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) gương mẫu đi đầu vận động thành lập tổ dân cư tự quản, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Không ngừng phấn đấu
Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội hiện có gần 280.000 hội viên. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Lê Như Đức cho biết: “Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều cựu chiến binh đã vượt lên thương tật, nỗi đau mất mát, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác xã hội, xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền”.
Cùng với đó, các cấp hội trên địa bàn thành phố đã xây dựng, tổ chức và thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Điển hình như mô hình “Đoạn đường cựu chiến binh tự quản”, “Cựu chiến binh trồng cây xanh”, “Cựu chiến binh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”, “Cựu chiến binh giữ gìn an ninh trật tự”...
Đặc biệt, thực hiện Đề án “Cựu chiến binh Thủ đô đoàn kết giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế giảm nghèo, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội và hoạt động tình nghĩa”, qua 5 năm, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên quyên góp được 19,25 tỷ đồng, giúp 507 hội viên xây dựng mới, sửa chữa nhà ở; tặng 82 bò sinh sản cho gia đình hội viên trị giá 1,61 tỷ đồng; hỗ trợ 157 gia đình cựu chiến binh nghèo 1,92 tỷ đồng để phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động 24.179 hộ gia đình hội viên tự nguyện hiến 726.594m2 đất, trong đó có 192.436m2 đất thổ cư, để phát triển cơ sở hạ tầng. Các hộ hội viên còn đóng góp, ủng hộ 158,245 tỷ đồng, 678.238 ngày công, tham gia tu sửa 3.942,6km đường giao thông liên thôn, xã, 3.228,5km kênh mương nội đồng, 4.260 cầu cống, 1.337 trường học, bệnh xá, nhà văn hóa thôn...
Chọn cho mình cách học và làm theo gương Bác phù hợp, cụ thể, thiết thực nhất, mỗi cựu chiến binh trên địa bàn thành phố đều để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng nhân dân. Thời gian tới, mỗi cán bộ, hội viên cựu chiến binh Thủ đô sẽ tiếp tục nêu cao vai trò gương mẫu, phát huy tinh thần đoàn kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp sức xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.