(HNM) - Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề tài về ứng dụng môi trường. |
Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã được nhiều trường đại học, cao đẳng chú trọng triển khai. Điều này đã tác động mạnh tới không ít sinh viên, khơi dậy trong các em những đam mê sáng tạo trên nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đáng nói, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã để lại dấu ấn, có chất lượng và đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.
Đơn cử, sinh viên Nguyễn Vũ Phong, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh và hai người bạn là Bùi Phú Sơn, Lâm Thành Đạt đều có chung sở thích nghiên cứu về chế phẩm vi sinh. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, ba em đã lập nhóm để thực hiện công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính xử lý nước thải thủy sản có độ mặn cao. Công trình này được trao giải Ba tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2018.
Hay như công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) do em Lê Yên Thanh làm trưởng nhóm đã sáng tạo ra phần mềm BusMap. Ứng dụng BusMap đã được chuyển giao cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh và chính thức được đưa vào hoạt động cuối năm 2015. Phần mềm này có nhiều tính năng như: Tìm kiếm đường đi, tìm vị trí trạm dừng xe buýt gần vị trí người dùng, xem thời gian chờ xe buýt theo thời gian thực…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì vấn đề nghiên cứu khoa học của sinh viên vẫn còn hạn chế như số lượng sinh viên quan tâm, tham gia chưa nhiều… Vì thế, với nhiều sinh viên, hoạt động này được xem như phong trào hơn là hoạt động tự giác và chủ động, chất lượng các công trình nghiên cứu thiếu tính thực tiễn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, các trường cần tập trung đầu tư xây dựng được những nhóm nghiên cứu nòng cốt ở lĩnh vực thế mạnh; khuyến khích những đề tài xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của chính sinh viên; liên kết chặt chẽ với các cơ sở Đoàn, các công ty, cơ sở nghiên cứu để có thể đặt hàng đề tài cho sinh viên nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tế; phát huy vai trò của các giảng viên trẻ cũng như hoạt động của các câu lạc bộ giảng viên nhằm truyền “lửa” đam mê nghiên cứu cho sinh viên, kết nối các khoa trong các đề tài nghiên cứu liên ngành;…
Tương tự, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh Ngô Bách Phong cho rằng, các trường cần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trong đó, cần gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đầu tư phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao... ngay trong trường.
Còn Thạc sĩ Hứa Thị Lan Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TP Hồ Chí Minh cho hay, “điểm nghẽn” lớn nhất khiến sinh viên ít tham gia trong nghiên cứu khoa học là thiếu những hỗ trợ về kinh phí, chưa có cơ chế khuyến khích những đề tài trọng tâm, mang tính thời sự, công trình có hàm lượng khoa học cao. Bên cạnh đó, các trường cũng cần chú trọng cải thiện trình độ ngoại ngữ của sinh viên, đồng thời tạo môi trường nghiên cứu sáng tạo khoa học để sinh viên dễ dàng tham gia nghiên cứu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.