(HNMCT) - Nhà thơ Xuân Sách từng “vẽ” chân dung Hoàng Trung Thông bằng những câu thơ “điểm danh” các tác phẩm nổi tiếng của ông: “Đường chúng ta đi trong gió lửa/ Còn mơ chi tới những cánh buồm/ Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất/ Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm...”. Chỉ thế thôi, đã cho thấy phần nào một hồn thơ chân chất, rắn rỏi, luôn tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu quê hương đất nước.
Câu thơ đầy chất lãng mạn cách mạng “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” trong Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông như châm ngôn sống được chép nắn nót trong sổ tay của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam có hoài bão, có lý tưởng và dám dấn thân.
Hoàng Trung Thông là một trong số ít nhà thơ có nhiều tác phẩm được giới thiệu trong hệ thống sách giáo khoa dành cho học sinh. Đó là những câu thơ đầy ước mơ hy vọng trong Những cánh buồm: “Hai cha con bước đi trên cát/ Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh/ Bóng cha dài lênh khênh/ Bóng con tròn chắc nịch/ Sau trận mưa đêm rả rích/ Cát càng mịn, biển càng trong/ Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng/ Nghe con bước, lòng vui phơi phới”.
Rồi là Bài ca báng súng kể về lịch sử của một dân tộc mà các thế hệ nối nhau: “Con lớn lên đang viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua” để “súng ta cầm giữ lấy ước mơ” - ước mơ về một đất nước hòa bình. Đó là Bài ca vỡ đất rộn ràng lạc quan, chan chứa niềm yêu sống yêu đời “Ta vui mùa lúa thơm/ Ta mừng ngày quả chín/ Gửi ra người tiền tuyến/ Diệt quân thù, gối đất nằm sương”, là Bao giờ trở lại vẽ bức tranh “mái ấm nhà vui”, những “tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ” của mẹ già bịn rịn áo nâu, của đàn em hớn hở theo sau khi bộ đội về làng...
Cái chất thơ của Hoàng Trung Thông thật khỏe khoắn, lạc quan, đầy nhiệt huyết và luôn “chảy tấm lòng rất thật” ấy có đôi khi lại lãng mạn, mềm mại như bông: “Rộn vui vì nỗi mùa chiêm tốt/ Mà mỗi người yêu còn cách xa/ Tiếng hát đưa nhanh nghe loạt xoạt/ Mơ buồn bỗng hóa giấc mơ hoa”. Hay những câu thơ thật dịu dàng: “Chợ Cô Sầu/ Chẳng có ai sầu/ Khăn thêu thổ cẩm, vải khoe màu/ Người đi trẩy hội hay đi chợ?/ Anh đợi em hoài em ở đâu?”. Nhớ về Hoàng Trung Thông, nhà thơ Phạm Hổ từng viết rằng: “Thơ anh không bao giờ là gió quanh cánh quạt/ Thơ anh luôn là gió giữa bầu trời”.
“Ngọn gió giữa bầu trời” ấy tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Cuộc đời của Hoàng Trung Thông, bởi thế, gắn liền với những năm tháng của Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, của Trong gió lửa, Như đi trong mơ... đúng như tên những tập thơ của ông đã xuất bản. Đi cùng những chặng đường lịch sử của đất nước, với Hoàng Trung Thông, Việt Nam mãi là “hai tiếng diệu kỳ” mà thi sĩ “Ta suốt đời nguyện là người lính/ Dưới cờ Đảng thân yêu/ Gieo mầm thơ trên cuộc sống phì nhiêu”.
Yêu thơ đến mức cảm thấy nếu “cuộc đời thiếu những bài thơ hay/ Như biển rộng cánh buồm thiếu gió”, Hoàng Trung Thông luôn cho rằng “Làm một nhà thơ là đủ lắm rồi”. Nhưng thực tế trong đời, Hoàng Trung Thông vẫn đảm trách nhiều “nhà” khác ngoài thơ. Đó là vai trò của một nhà quản lý như ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, rồi trở thành Viện trưởng Viện Văn học. Đó còn là một nhà thư pháp tài hoa được biết bao nhiêu bạn bè, người hâm mộ thán phục xin chữ, còn người bạn thân Chế Lan Viên vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật “ông Trạng họ Hoàng”.
Là con ông đồ nho nên Hoàng Trung Thông thông hiểu Hán học, sau này thành thạo ba ngoại ngữ tiếng Nga, Pháp, Anh, nên ông còn là một dịch giả uy tín. Ông dịch và giới thiệu tác phẩm nổi tiếng của nhiều nhà thơ Nga, Hungary, Ba Lan, Pháp, Đức; nghiên cứu Đỗ Phủ, Lục Du, Lỗ Tấn, Lý Quý... Và đặc biệt, ông còn là nhà lý luận phê bình sâu sắc mà hóm hỉnh với nhiều bài viết chân dung văn nghệ sĩ một thời, nhiều bài tiểu luận phê bình sau đó được tuyển chọn vào tập Những người thân, những người bạn. Ông là chủ biên một số công trình khoa học như “Thơ Lý - Trần”, “Văn học Việt Nam”...
Những năm cuối đời, Hoàng Trung Thông cho ra mắt hai cuốn Tiếng thơ không dứt và Mời trăng. Lúc này, ông có nhiều hơn những vần thơ tình với Mùa nhớ, Như tình anh tình em, Là thế, Nếu em muốn tìm anh… trong đó có những bài thơ dành tặng cho người vợ thủy chung, tần tảo mà suốt cuộc đời ông chỉ có mình bà. Năm 1992, tập Mời trăng xuất bản với những bài thơ đầy dự cảm, khi là lời tâm sự: “Đời anh rong chơi/ Anh sống như anh viết/ Em ơi/ Ta sống với nhau suốt đời/ Đến chết, lúc là những dặn dò: Nếu tôi chết/ Đắp điếm ngôi mồ tôi/ Và anh hay chị sẽ viết/ Giữ lòng trong suốt đời”. Và “ông đồ gàn” Hoàng Trung Thông với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ấy thực đã “giữ lòng trong suốt đời” mà bè bạn, người thân sau này vẫn còn nhắc nhớ mãi.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993) sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông có các tập thơ: Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Trong gió lửa, Như đi trong mơ, Hương mùa thơ, Tiếng thơ không dứt, Mời trăng. Ngoài ra ông còn có các cuốn lý luận phê bình như Chặng đường mới của văn học chúng ta, Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.