Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng lóng - nói sao cho phù hợp hoàn cảnh?

Lâm Vũ| 08/09/2016 06:21

(HNM) - Tiếng lóng - phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ - là một phần tất yếu trong hoạt động giao tiếp từ xưa đến nay nhưng có lẽ chưa bao giờ tiếng lóng lại bị lạm dụng như bây giờ. Làm thế nào để sử dụng tiếng lóng một cách đúng mực, phù hợp hoàn cảnh, tránh cảnh không ít người nghe


Hiện tượng phổ biến

Việc sử dụng tiếng lóng từ lâu đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Trong công sở, những người trẻ thường sử dụng những từ kiểu như "Trưa nay đội mình đi làm tí máu nhỉ?" (ăn tiết canh), "Đang bồ hóng gì thế?" (hóng chuyện). Giới học sinh thì thường nói: "Chúng ta Campuchia nhé" (chia tiền) hay "Cậu ta thật là suzuki" (ki bo)... Trong nhiều trường hợp, tiếng lóng bị lạm dụng trở nên thô tục, chẳng hạn, hỏi thăm sức khỏe người lớn tuổi thì "Sức khỏe của bác có ngon không?"... Chính cách nói chướng tai này khiến cho đối tượng giao tiếp và những người xung quanh cảm thấy phật lòng, thậm chí khó chịu.

Không ít thanh niên đang lạm dụng tiếng lóng trong giao tiếp.


TS Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, trong xã hội hiện đại, tiếng lóng phát triển mạnh ở giới trẻ và hiện tượng này xảy ra ở tất cả các nước, chứ không riêng gì Việt Nam. Như ở Mỹ, người ta gọi tiếng lóng là "ngôn ngữ đường phố", "ngôn ngữ của giới trẻ" và có người còn đùa rằng, ai muốn trẻ lại thì nói thật nhiều tiếng lóng. Điều đáng nói là việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp đã trở thành một hiện tượng, một xu thế phổ biến của giới trẻ nói chung và học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nói riêng ở Hà Nội. Nhiều bạn trẻ hiện nay quan niệm rằng, phải nói như thế mới hợp thời, mới đúng mốt. Dần dần, cách nói này được nhiều người sử dụng một cách tùy tiện, nhất là trong giờ ra chơi, đi ngoài đường, ngồi nói chuyện ở hành lang hay cả trong giao tiếp với người lớn tuổi. Nhiều học sinh còn vô tình đưa tiếng lóng vào cả bài kiểm tra của mình. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, trước đây, người ta cho tiếng lóng là xấu vì thứ ngôn ngữ này thường được các băng, nhóm bất hảo sử dụng. Và người Hà Nội xưa, chỉ những người thuộc tầng lớp thấp mới nói tiếng lóng. Giờ đây, tiếng lóng được mở rộng đến đa số nhóm xã hội, sinh viên có tiếng lóng của sinh viên, học sinh có tiếng lóng của học sinh...

Hoàn cảnh giao tiếp: Rất quan trọng!

Tiếng lóng mang tính khẩu ngữ, là ngôn ngữ phi quy thức. Giống như ngôn ngữ mạng, nó chỉ được dùng trong vui chơi, giải trí một cách thân mật, hoặc có thể dùng trong trường hợp cần nhấn mạnh điều gì đó, song phải dùng trong văn cảnh phù hợp. "Tiếng lóng là khẩu ngữ của một nhóm xã hội nên nó tương đối suồng sã. Trong giao tiếp thân mật, người ta có thể nói những từ lóng, nhưng trong giao tiếp chính thức thì không được dùng. Hiện nay, có một số tác giả khi miêu tả nạn trộm cắp trên báo chí cũng lạm dụng tiếng lóng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Theo tôi, nếu mình dùng đúng, đủ thì sẽ đem lại hiệu quả, nếu lạm dụng sẽ phản tác dụng. Cần nhấn mạnh là, hoàn cảnh giao tiếp rất quan trọng" - TS Nguyễn Văn Khang cho biết.

Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, nếu sử dụng tiếng lóng một cách tùy tiện sẽ dẫn đến hậu quả lớn. Một mặt, nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Mặt khác, môi trường xã hội và hành vi giao tiếp, ứng xử giữa học sinh với thầy cô giáo, giữa học sinh với học sinh, học sinh với người ngoài xã hội sẽ bị pha tạp. Thực tế cho thấy, việc lạm dụng tiếng lóng trong một thời gian dài có thể khiến cho học sinh quên đi cách sử dụng từ ngữ theo đúng chuẩn mực, gây trở ngại trong quá trình giao tiếp với những người "không cùng thế hệ". Xa hơn, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ này một cách bừa bãi cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tính cách mỗi người như tùy tiện, hời hợt, cẩu thả... TS Hoàng Anh, Học viện Báo chí tuyên truyền nhận định, việc lạm dụng ngôn ngữ tiếng lóng là một điều nguy hiểm, đặc biệt khi thứ tiếng "lai căng" này được đưa vào các ngôn ngữ chính thức như một thói quen vô thức của các bạn trẻ.

Có một thực tế, lâu nay trong nhà trường, chúng ta dạy quá nhiều kiến thức ngôn ngữ, ít dạy kỹ năng giao tiếp, điều đó phần nào dẫn đến tình trạng dùng tiếng lóng tùy tiện, không đúng mực. Chính vì vậy, việc dạy cho học sinh kỹ năng giao tiếp là rất cần thiết. Trước hết, cần giáo dục học sinh về những nguyên tắc, vai trò của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, định hướng cho học sinh sử dụng tiếng lóng trong những trường hợp nào và sử dụng với liều lượng như thế nào là phù hợp. Trong cuộc sống hằng ngày, nhà trường cần phối hợp với gia đình nhắc nhở, điều chỉnh khi giới trẻ lạm dụng thứ ngôn ngữ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng lóng - nói sao cho phù hợp hoàn cảnh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.