(HNM) - Ngày 17-12-2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu phát hành tiền xu có mệnh giá 5.000 đồng, 1.000 đồng và 200 đồng. Gần 4 tháng sau, ngày 1-4-2004, Ngân hàng Nhà nước lại phát hành tiếp tiền xu loại 2.000 đồng và 500 đồng. Đến nay, sau gần 7 năm lưu hành, số lượng tiền xu có tại nhiều điểm giao dịch, mua bán chỉ đếm được trên... đầu ngón tay. Tại sao vậy?
Máy bán hàng tự động sử dụng tiền xu đã bị loại bỏ tại nhiều điểm công cộng. Ảnh: Viết Thành |
Tiền xu Việt Nam
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Luật - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội (Vietcombank Hà Nội) thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phát hành tiền xu, từ nước chậm phát triển đến các nước phát triển. Việc phát hành tiền lẻ trong đó có tiền xu để thỏa mãn nhu cầu mua bán hằng ngày của người dân, doanh nghiệp trong nước là chính đáng. Mặt khác, phát hành tiền xu là đòi hỏi tự thân của nền kinh tế. Trước đó, bộ tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành ở miền Bắc (từ năm 1959-1975) trong thời kỳ đất nước bị chia cắt và tiền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát hành năm 1976 cũng có tiền xu. Đó là các đồng 1 xu, 2 xu và 5 xu được đúc bằng nhôm, có lỗ tròn ở chính tâm. Dù chia nhỏ mệnh giá đồng tiền đáp ứng cho nhu cầu mua bán hằng ngày nhưng thời kỳ này nạn thiếu tiền lẻ khá trầm trọng, vì thế mới có câu: "Tiền lẻ hơn thẻ thương binh" (ai có thẻ thương binh không phải xếp hàng, ai có tiền lẻ thì cũng được nhân viên các quầy thực phẩm, bách hóa ưu tiên cho mua trước). Tuy nhiên do nhiều yếu tố, trong đó tỷ lệ lạm phát tăng hằng năm dẫn đến tiền xu vì có mệnh giá thấp đã bị loại bỏ một cách tự nhiên ra khỏi đời sống, không phải vì không thuận tiện.
Vậy tại sao các quốc gia trên thế giới khi phát hành tiền lẻ lại đúc tiền xu trong khi tiền lẻ bằng giấy thuận tiện hơn? Câu trả lời là tiền xu được đúc bằng kim loại nên "tuổi thọ" dài hơn tiền giấy. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tiền đúc bằng kim loại bình thường cũng có thể sử dụng được 20 năm, kim loại tốt hoặc hợp kim thì thời gian sử dụng có thể lên đến 40 năm. Trong khi thời gian sử dụng tiền giấy ngắn hơn, ví dụ tiền giấy loại 1.000 đồng, 2.000 đồng, 500 đồng… nếu luân chuyển liên tục, cộng thêm văn hóa giữ tiền kém thì chỉ 8-12 tháng là nhàu nát. Nếu ai thường xuyên đi lễ, thấy người ta cho tiền giấy lẻ vào bao chẳng khác gì giấy vụn, chắc thời gian sử dụng của đồng tiền ấy còn ngắn hơn nữa. Ngay cả tiền in trên chất liệu polymer mà chúng ta đang dùng thì thời gian sử dụng tối đa cũng chỉ được 8 năm. Song có một ý nghĩa khác hầu như không ai nói đến, đó là giá trị văn hóa và tính giáo dục của tiền xu khi nó được khắc hình ảnh danh nhân, công trình lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Ở các nước phát triển, tiền lẻ trong đó có tiền xu được phát hành phổ biến. Lý do là các giao dịch lớn không được phép sử dụng tiền mặt và tiền mặt dùng để thực hiện các giao dịch có giá trị không lớn. Nhờ có tiền xu, các nhà sáng chế đã nghĩ ra máy bán hàng tự động. Điều này không chỉ làm phong phú phương thức bán hàng mà còn biến việc mua hàng thành trò chơi hấp dẫn. Thật thú vị khi bỏ vào máy một đồng xu và hồi hộp chờ lon nước ngọt xuất hiện. Tại các nước phát triển, tiền xu dùng để mua nước ngọt, thuốc lá, vé tàu điện ngầm, tem thư… ở các máy bán hàng tự động.
Vì sao tiền xu khó lưu thông?
Ngay sau khi phát hành, tiền xu được lớp trẻ đón nhận vì lạ, còn với lớp người lớn tuổi thì vui bởi họ lại thấy tiền xu sau nhiều năm vắng bóng. Tính đến tháng 5-2005, lượng tiền xu đưa vào lưu thông đã chiếm 1/4 tổng giá trị tiền lẻ đang lưu hành và để tiền xu được sử dụng rộng rãi hơn, cũng trong năm đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Chính phủ giảm bớt in tiền giấy mệnh giá nhỏ. Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Bưu điện Sài Gòn và 3 doanh nghiệp nước ngoài bước đầu đã lắp đặt điện thoại sử dụng tiền xu, máy bán hàng tự động. Tuy nhiên sau một thời gian thử nghiệm, chiếc máy bán nước ngọt dùng tiền xu đặt trước ga Hà Nội có doanh số ngót nghét 100.000 đồng/ ngày. Sau hồ hởi ban đầu, các máy điện thoại trả tiền xu cũng thưa người gọi. Tại các chợ truyền thống, quầy tạp hóa, quán ăn sáng… nhiều người bán hàng thẳng thừng từ chối tiền xu và chỉ có các siêu thị vẫn kiên nhẫn nhận loại tiền này cho dù khi trả lại tiền thừa thì bị khách từ chối.
Vì sao người dân không mặn mà với tiền xu? Có mấy nguyên nhân. Nếu không có ví rất dễ bị rơi vì đồng xu khá nhỏ. Không những thế còn bị mất màu và có đồng bị hoen gỉ. Nếu những năm trước, giá 1 chén nước chè là 500 đồng thì hiện tại, chè ngon đã tăng lên 2.000 đồng/chén, điều đó cho ra kết quả: đồng tiền dần mất giá. Bà Hà Thị Lan, Trưởng phòng Ngân quỹ của Vietcombank Hà Nội cho biết, tiền xu bất tiện hơn tiền giấy vì nếu người ra ngân hàng nộp 5 triệu đồng tiền xu mệnh giá 5.000 đồng, họ phải mang 7,70kg (1 đồng nặng 7,70gam) trong khi đó nếu 5 triệu tiền giấy thì nhẹ tênh. Theo số liệu của Vietcombank Hà Nội, số tiền xu vào ngân hàng này giảm dần. Quý I-2010 thu 695.570 đồng, chi ra là 684.923 nhưng quý III thì thu vào chỉ còn 346.167 đồng, chi cho khách chỉ 172.791 đồng. Với tiền xu loại 200 đồng thu vào chỉ còn 254.000 đồng và chi ra có 77.000 đồng.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hóa) đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu về hiệu quả của đồng tiền kim loại. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã thừa nhận "Đề án sản xuất tiền kim loại, tôi cũng cho rằng không đạt hiệu quả". Vị Thống đốc cho biết thêm, ngay khi về điều hành Ngân hàng Nhà nước, ông đã nghiên cứu kỹ và yêu cầu ngừng phát hành mới tiền xu, thu hồi những đồng tiền không bảo đảm lưu hành. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định tất cả tiền xu đã phát hành trước đó vẫn có giá trị sử dụng.
Theo khoản 4 Điều 3 Quyết định số 130 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30-6-2003, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi từ chối nhận, từ chối lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành trên lãnh thổ Việt Nam. Như thế có nghĩa là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch có quyền trả tiền xu và nhận tiền xu, nếu cá nhân, tổ chức nào không chấp nhận là vi phạm quy định của Nhà nước. Thế nhưng...
Tiền xu đi đâu?
Trước Tết Canh Dần, cháu Trần Nhật Phương con trai chị Minh ở phố Lý Thường Kiệt đập con lợn đựng tiền tiết kiệm trong nhiều năm để ủng hộ người nghèo ăn Tết qua chương trình "Nối vòng tay lớn". Bố mẹ không có nhà, Phương mang hơn 500.000 đồng tiền xu các loại ra mấy quán giải khát gần đó đổi nhưng không được. Cuối cùng cháu đành phải chờ mẹ về để đổi cho mẹ lấy tiền giấy. Tiền xu hiện nằm ở những con lợn tiết kiệm của trẻ em khá nhiều. Theo bà Hà Thị Lan, tính đến ngày 12-10-2010, lượng tiền xu tồn đọng tại Vietcombank Hà Nội là 124.654.000 đồng. Sở dĩ lượng tiền xu nằm trong kho của ngân hàng này nhiều như vậy vì sau khi thanh toán cho khách hàng, họ lại mang đến cửa nộp của chính ngân hàng để nộp vào tài khoản. Nộp lên Ngân hàng Nhà nước thì không được chấp nhận vì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải lưu thông tiền xu.
Tiền phải lưu thông, nếu nằm nguyên một chỗ là sự lãng phí lớn. Thực tế cũng đã có nhiều kiến nghị để tiền xu không bị "văng" ra khỏi đời sống, như có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp mở dịch vụ bán hàng bằng máy tự động dùng tiền xu; nên rút khỏi lưu thông tiền giấy mệnh giá 500 và 200 đồng vì hiện tại nó chỉ được dùng để đi lễ chùa, đền… Cũng có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nên tiếp tục phát hành tiền giấy cùng mệnh giá với tiền xu, khi không có tiền giấy người dân buộc phải sử dụng tiền xu. Còn nếu tiếp tục song hành phát hành cả tiền giấy lẫn tiền xu thì do thói quen, người dân sẽ lựa chọn tiền giấy. Tuy nhiên, những kiến nghị nêu trên chẳng biết đến khi nào mới được ngân hàng nghiên cứu, triển khai?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.