Tiền polymer (loại 500.000 và 50.000 đồng) được Ngân hàng Nhà nước đưa vào lưu thông từ 17-12-2003, đến nay đã có nhiều bạn đọc gửi thư đến báo Hànộimới hỏi về việc bảo quản và sử dụng loại tiền mới này. Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giải đáp cụ thể về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Tiền mới bằng polyme. Ảnh: V.Thành
Làm phẳng tiền polymer bị nhàu, nát bằng cách nào?
Khi tiền polymer bị nhàu, có thể làm phẳng lại bằng cách trải phẳng và ép nhẹ đồng tiền bằng các vật thông dụng, như quyển sách dày... trong một thời gian. Lưu ý không dùng bàn là để là đồng tiền, kể cả trường hợp lót qua một lớp giấy hoặc vải, vì với độ nóng của bàn là, đồng tiền sẽ bị biến dạng, không thể sử dụng được.
Qua đây, chúng tôi cũng xin lưu ý, khi sử dụng đồng tiền, bất kỳ là tiền giấy hay tiền polymer, đều nên giữ phẳng đồng tiền. Khi đồng tiền bị vò nhàu không những sẽ nhanh hỏng hơn, mà còn làm giảm cả về mặt thẩm mỹ. Trong thực tế, nhiều người vẫn có thói quen vo, cuộn đồng tiền khi cầm trong tay hoặc đựng trong ví; đây là một trong những nguyên nhân làm chất lượng đồng tiền trong lưu thông giảm đi nhanh chóng. Do vậy, mọi người không nên vò nhàu đồng tiền để góp phần làm cho đồng tiền trong lưu thông bền, đẹp hơn và qua đó cũng tiết kiệm được chi phí in tiền.
Làm thế nào để làm sạch tiền polymer khi bị dính mực, dầu mỡ bẩn?
Polymer là một dạng nhựa, không có cấu tạo sợi như giấy in tiền thông thường nên bề mặt không xốp, mặt khác đồng tiền còn được phủ một lớp véc-ni nên tiền polymer không bị thấm nước, hút ẩm hay giữ ẩm. Do vậy, khi đồng tiền polymer bị các vết bẩn như bùn đất, dầu mỡ hoặc mực viết bình thường có thể làm sạch đồng tiền bằng cách dùng nước lã hoặc nước xà phòng - đối với trường hợp vết bẩn là chất dầu, mỡ mực viết - để rửa sạch vết bẩn; sau đó dùng vải mềm lau khô. Trong quá trình sử dụng, bảo quản đồng tiền, vì một lý do nào đó mà đồng tiền bị dính các chất như trên, chúng ta cần chủ động làm sạch.
Hiện nay, các loại máy đếm tiền đang sử dụng có phải điều chỉnh gì khi ứng dụng với tiền polymer?
Qua tìm hiểu kinh nghiệm từ các nước đã sử dụng tiền polymer trước chúng ta, do tiền polymer sạch hơn (không hút ẩm, không giữ ẩm hoặc bụi) nên hoạt động rất tốt trên các máy đếm tiền cũng như máy rút tiền tự động (ATM). Thực tế, các máy đếm tiền đang sử dụng phổ biến ở nước ta cũng có thể dùng để kiểm đếm tiền polymer mà không cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, trên đồng tiền polymer có yếu tố cửa sổ trong suốt (yếu tố bảo an đặc trưng của đồng tiền polymer), do đó để bảo đảm máy kiểm đếm chính xác, khi đưa tiền vào máy đếm tiền, cần lưu ý không để vị trí cửa sổ trong suốt đi qua vị trí đầu dọc (mắt thần) của máy.
Hình ẩn trong đồng tiền 500.000đ và 50.000đ in trên chất liệu polymer có thể nhìn thấy trước nguồn sáng đỏ, vậy làm thế nào để nhận biết được?
Trên đồng tiền 500.000đ và 50.000đ in trên chất liệu polymer có 2 cửa sổ (phần trong suốt) gồm một cửa sổ lớn và một cửa sổ nhỏ. Hình ẩn trong đồng tiền 500.000đ và 50.000đ đều nằm trong cửa sổ nhỏ, ở góc phía trên bên trái mặt trước tờ bạc. Hình ảnh trong đồng tiền 500.000đ là hình bông sen cách điệu, đối với đồng tiền 50.000đ hình ẩn là hai chữ VN đối xứng. Đặc điểm của hình ẩn là có thể nhìn thấy trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng điện sợi đốt... Do vậy, khi đưa tờ bạc lên gần mắt và nhìn xuyên qua cửa sổ nhỏ về phía nguồn sáng đỏ, chúng ta sẽ nhìn thấy hình ẩn trong đồng tiền; hoặc để đồng tiền trước một vật có mặt phẳng như phông vải, giấy, bức tường... (trừ nền màu đỏ) và đèn laser rọi qua cửa sổ nhỏ sẽ nhìn thấy hình ẩn rất rõ.
Làm thế nào để người khiếm thị nhận biết được đặc điểm trên hai loại tiền polymer mới?
Trên đồng tiền 500.000đ và 50.000đ in trên chất liệu polymer, có thiết kế yếu tố để người khiếm thị nhận biết mệnh giá của đồng tiền. Yếu tố này được in ở góc phía dưới bên trái mặt trước tờ bạc; Đồng 500.000đ gồm 3 chấm hình vuông và một gạch dài, đồng 50.000đ gồm ba chấm hình quả trám. Do được in nổi nên người khiếm thị có thể dùng tay để nhận biết yếu tố này, qua đó biết được mệnh giá của đồng tiền.
Khi bảo quản tiền polymer, cần lưu ý gì?
Là một loại nhựa chất liệu polymer dễ bị biến dạng trong điều kiện nhiệt độ cao. Theo kết quả nghiên cứu của nhà cung cấp giấy nền polymer , đồng tiền polymer sẽ bị hỏng trong môi trường nhiệt độ quá cao (trên 1500 C). Vì vậy, trong việc bảo quản đồng tiền polymer, cần lưu ý: Không để đồng tiền gần lửa hoặc các nguồn nhiệt cao; không dùng nhiệt để làm khô đồng tiền, vì như vậy đồng tiền sẽ bị hỏng, không sử dụng được.
Để đồng tiền được bền, đẹp, chúng ta không nên vò nhàu đồng tiền, không vuốt hoặc xiết mạnh theo nếp gấp đồng tiền.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.