(HNMO) - Mặc dù lãi suất huy động VND đã giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay, nhưng huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng nhanh. Nguyên nhân do đâu?
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 27/11/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 14,74%, chủ yếu ở khu vực dân cư. Trước đó, tính đến 24/10/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa. Như vậy, huy động vốn của ngân hàng vẫn tăng mạnh trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm.
Huy động vốn tại ngân hàng tăng mạnh. |
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, nhiều đợt giảm lãi suất huy động và cho vay đã diễn ra, đưa mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm đến 1-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Còn nhớ, gần đây nhất, ngày 29/10, thực hiện “lệnh” của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại động loạt giảm 0,5%/năm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống còn 5,5% trong khi lãi suất cho vay tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên còn 7%/năm thay vì mức 8%/năm như trước. Sau khi giảm vào ngày trên, tháng 11, một số ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất huy động. Chẳng hạn, từ ngày 18/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm 0,1-0,3%/năm lãi suất huy động VND, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm, 3 tháng: 4,9%/năm, 6 tháng: 5,3%/năm, 12 tháng còn 6%/năm… Sau đó 1 tuần, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm lãi suất huy động VND với mức giảm phổ biến 0,1-0,2%. Theo biểu lãi suất mới của ngân hàng này, lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,78%/năm, 3 tháng: 4,88%/năm; 5 tháng: 5%/năm, 6 tháng: 5,58%/năm, 12 tháng còn 6,38%/năm... Lãi suất cao nhất là 7,7%/năm được nhà băng này dành cho kỳ hạn 13 tháng. Động thái này cũng đã nhen nhóm ở những ngân hàng thương mại khác.
Có thể thấy, lãi suất huy động VND đối với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được các nhà băng niêm yết thấp hơn nhiều so với mức trần 5,5%/năm như quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Rõ ràng là, mặc dù lãi suất huy động VND đã giảm vậy nhưng gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân là do, so với các kênh đầu tư khác thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn, đặc biệt là với người dân, cán bộ hưu trí... trong bối cảnh thị trường vàng có nhiều rủi ro. Vài năm trở lại đây, nhiều người “chơi” vàng đã bị lỗ nặng, có người lỗ đến 40%, bởi sự biến động bất thường của thị trường. Bên cạnh đó, thị trường này còn rủi ro ở chỗ, chênh lệch giữa giá vàng trong nước-thế giới rộng và có sự biến động bất thường, có thể hôm nay chênh lệch là hơn 5 triệu đồng/lượng nhưng ngày mai chỉ còn 4 triệu đồng/lượng. Còn thị trường chứng khoán lại không dành cho số đông, trong khi đó thị trường tăng-giảm theo sức khỏe của nền kinh tế, mà hiện nền kinh tế nước đã chưa hồi phục mạnh. Đối với thị trường bất động sản, tham gia thị trường này đòi hỏi cần vốn lớn và thị trường hiện vẫn còn trầm lắng. Đó là chưa kể, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã “chết” vì bất động sản nên người dân vẫn khá “run” khi nghĩ đến việc tham gia.
Nhưng, điều quan trọng hơn cả khiến kênh tiết kiệm vẫn thu hút mạnh nguồn tiền nhàn rỗi là lạm phát thấp nên người gửi tiền vẫn được thực dương. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của cả nước giảm 0,27% nhưng vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ tháng 11/2013. Lũy kế từ đầu năm, CPI chỉ tăng 2,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, đây cũng là mức tăng thấp hơn rất nhiều so với con số 7% như dự kiến của Chính phủ. Do giá xăng, dầu tiếp tục giảm, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo lạm phát cả năm 2014 chỉ là khoảng 3%.
Chỉ làm một bài toán nhỏ, với lạm phát là 3% và lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 4,78%, thì kể cả người gửi tiền gửi ở kỳ hạn mà Ngân hàng Nhà nước quy định mức trần vẫn được lợi. Vì thế, gửi tiết kiệm bằng VND vẫn là cách giữ tiền khôn khéo của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.