(HNM) - Sự kiện giữa tuần qua, một số ngân hàng thương mại (NHTM) như Techcombank, GPBank, SeA Bank… nâng mức lãi suất huy động lên tới 17% - 18%/năm… khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Sau khi có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động đã hạ nhiệt. Cuộc đua lãi suất tuy ngắn ngủi, không trên diện rộng nhưng đã lộ ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm, nếu không, có thể lại tiếp tục tái diễn. Hiện đang có hai hướng điều hành lãi suất là trần lãi suất 12%/năm do Hiệp hội Ngân hàng đưa ra trên cơ sở đồng thuận của các NHTM và lãi suất theo thị trường do Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố. Thực tế, hướng lãi suất theo thị trường đang được hầu hết các NHTM áp dụng nhưng do chính sách không rõ ràng nên các NHTM cứ phải "úp úp mở mở" khi tăng lãi suất. Tuy vẫn dè chừng NHNN "tuýt còi" về trần lãi suất, nhưng trên thực tế các NHTM đang phải phá trần lãi suất để có thể duy trì được nguồn vốn huy động.
Tưởng rằng từ biến động lãi suất vừa qua, NHNN sẽ có hướng điều hành lãi suất rõ ràng hơn nhưng cuối cùng cũng chỉ yêu cầu rất chung chung là các NHTM "thực hiện các mức lãi suất huy động và cho vay phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ và nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng" trong khi nhiều NHTM khẳng định, trong tình hình lạm phát như hiện nay, việc đưa lãi suất về 12% là không khả thi. Nhiều NHTM bày tỏ cũng muốn theo trần lãi suất, nhưng cần phải có sự hỗ trợ vốn quyết liệt từ NHNN - điều mà thời gian qua, NHNN làm chưa tốt, nếu không, lãi suất sẽ buộc vẫn phải tăng.
Như thế tức là ngay NHNN - cơ quan điều hành nhà nước vĩ mô, cũng còn lúng túng và sự lúng túng ấy khiến cho thị trường tiền tệ thiếu một sự chỉ đạo dứt khoát, cụ thể. Cũng tức là, đồng tiền còn nhảy múa mà càng "múa" thì mặt "chúa" (các NHTM, người dân...) càng méo, khó có thể cười nổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.