Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố, nhân viên ngành Điện không còn phải trực tiếp đến tận hộ dân để ghi số điện ở từng công tơ.
Chia sẻ về những tiện ích trong việc triển khai công nghệ đo xa, lắp đặt công tơ điện tử, chị Trần Kim Thúy, Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Đông Hà (Quảng Trị) cho biết: “Thời gian trước, anh em công nhân ngành Điện vất vả lắm. Thành phố Đông Hà có khoảng 3.500 khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt, ngày chốt chỉ số công tơ, chúng tôi phải huy động đồng loạt lực lượng. Ngày nắng thì không sao, nhưng những hôm mưa gió, việc đi lại hạn chế nên anh em phải căng mình bảo đảm tiến độ công việc”. Tuy nhiên, theo chị Thúy, từ năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Trung triển khai công nghệ đo xa, lắp đặt công tơ điện tử, công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Đúng ngày, giờ ghi chỉ số, nhân viên ngành Điện chỉ việc trích số liệu sử dụng điện của khách hàng, bảo đảm công bằng và chính xác.
Cũng nhờ vậy, nếu như trước đây, Phòng Kinh doanh của Điện lực Đông Hà có khoảng 100 người thì nhờ ứng dụng công nghệ này, hiện chỉ còn khoảng 40 người, số còn lại đã được phân công công việc khác. Cũng nhờ tích cực lắp đặt công tơ điện tử đã giúp ngành Điện nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, thường xuyên theo dõi, rà soát và phát hiện kịp thời một số trường hợp công tơ mất tín hiệu điện áp, hư hỏng...
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phần mềm thu thập dữ liệu đo đếm (EVN HES) do EVNICT thiết kế và xây dựng hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về thu thập dữ liệu công tơ điện tử trong Tập đoàn. Hệ thống phần mềm có chức năng đọc công tơ điện tử: Thiết lập danh mục điểm đo, phân tích và xử lý dữ liệu, giám sát thu thập dữ liệu. Đến nay, EVN HES được áp dụng thống nhất cho tất cả các đơn vị trong EVN nhằm hiện đại hóa công tác thu thập số liệu và nâng cao hiệu quả điều hành thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong lĩnh vực thu thập và quản lý số liệu đo đếm. Hệ thống được thiết kế để hướng đến việc thống nhất công nghệ thu thập và phần mềm thu thập áp dụng với các công nghệ hiện hữu trong và ngoài nước, nhằm nâng cao tính minh bạch, tăng năng suất lao động cho các đơn vị sử dụng.
Theo EVN, trước đây các Tổng công ty phải sử dụng 5 đến 6 hệ thống để quản lý thiết bị theo các công nghệ khác nhau. Nhưng khi sử dụng hệ thống EVN HES, chỉ cần áp dụng 1 hệ thống cho toàn bộ công nghệ và chủng loại công tơ trên lưới. Hệ thống phần mềm tạo ra công cụ quản lý áp dụng thống nhất trong toàn Tập đoàn nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đề cập đến EVN HES, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, thực hiện chủ trương hiện đại hóa lưới điện của EVN, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ thì công nghệ thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với nhiệm vụ phát triển công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu của EVN, các phần mềm do EVNICT lập trình và phát triển đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó có phần mềm EVN HES, tạo ra công cụ quản lý áp dụng thống nhất đọc và giám sát dữ liệu công tơ điện tử trong toàn EVN.
Tính đến thời điểm hiện tại, phần mềm đang được áp dụng tại 5 Tổng công ty Điện lực và 4 Công ty truyền tải điện với số lượng 1,5 triệu điểm đo. Năm 2019, EVN HES sẽ được tiếp tục áp dụng thực hiện tại 5 triệu điểm đo để phát huy hơn nữa hiệu quả trong hoạt động của EVN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.