(HNM) - Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được Quốc hội xem xét thông qua. Đây vừa là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội, cũng là cơ sở, tiền đề thực thi hiệu quả quyền dân chủ ở cơ sở của người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan nhiều đến đời sống người dân, do đó đến thời điểm được Quốc hội thông qua (ngày 10-11-2022) đã tiếp thu hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thể hiện được quan điểm khá đầy đủ về dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, luật quy định về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân; ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở, mở rộng phạm vi và đa dạng hóa hình thức công khai ở cấp xã. Đặc biệt, bổ sung các vấn đề nhân dân bàn, quyết định trực tiếp; nội dung, trình tự nhân dân kiểm tra, giám sát.
Nổi bật trong các hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ là hoạt động tự nguyện của nhân dân sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án… Từ đó có cơ sở phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích cộng đồng hoặc gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước nếu có.
Để tránh nhiều cách hiểu khác nhau, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì xây dựng luật, đã chỉ rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm: Gây khó khăn, phiền hà, cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức…
Nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) vừa công bố tháng 11 về một số mô hình có sự tham gia tốt của người dân ở tỉnh Quảng Trị và thành phố Hà Nội cho thấy, tổ dân phố là nơi người dân tham gia và thực hành quyền dân chủ ở cơ sở của mình tốt nhất. Để tham gia tích cực và hiệu quả, người dân, nhất là nhóm công dân yếu thế cần được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin minh bạch.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các quyền của nhân dân được biết, được bàn, được giám sát, được bàn và quyết định... như quy định trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được bảo đảm kế thừa trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây sẽ là khung pháp lý quan trọng, làm nền tảng để công dân tham gia chủ động và tích cực vào quản trị địa phương, thực hành quyền của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Chủ tịch PPWG Lê Quang Bình thông tin, người dân rất quan tâm đến những vấn đề gần, sát với họ cả về lợi ích lẫn không gian. Cụ thể, họ muốn được tham gia giám sát và triển khai các công trình cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân. Để tránh dân chủ hình thức cần thể chế hóa trách nhiệm giải trình của cơ quan chính quyền các cấp, bảo đảm quyền tham gia chủ động, tích cực của các tổ chức xã hội và báo chí trong việc hỗ trợ người dân thực hiện, hưởng thụ quyền dân chủ ở cơ sở.
Còn luật gia Lê Quang Vững cho rằng, qua thực tế tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người dân, ông nhận thấy, Nhà nước có nhiều chính sách tốt nhưng đơn vị triển khai lại thiếu trách nhiệm, dẫn đến tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Do vậy, dưới luật, cần những quy định pháp lý rõ ràng, bảo đảm quyền của người dân trong vấn đề này.
Liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những phương thức hữu hiệu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ là thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để trao đổi, bàn bạc, quyết định. Tuy nhiên, thời gian qua việc tổ chức hội nghị còn hình thức, chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả trong thực tế. Một mặt, do người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện, mặt khác do nội dung này đang được điều chỉnh trong các văn bản dưới luật với các quy định còn chưa đầy đủ, cụ thể. Vì vậy, việc luật hóa các nội dung này trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn sẽ là cơ sở để thể chế được thực hiện tốt hơn trong đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.