Thế giới

Tiền đề để tăng trưởng kinh tế ở châu Âu

Hoàng Linh 02/12/2023 - 07:06

Tỷ lệ lạm phát hằng năm ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11-2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua.

Việc này báo hiệu nền kinh tế Eurozone có thể sớm chứng kiến những điều chỉnh về chính sách hướng đến chu kỳ tăng trưởng ổn định trong dài hạn.

eu.jpg
Lạm phát giảm đã thúc đẩy tiêu dùng, tạo tiền đề cho nền kinh tế châu Âu tăng trưởng.

Dữ liệu từ Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 11 tăng 2,4%, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 7-2021. Tỷ lệ này thấp hơn so với dự báo của đa số nhà phân tích khi nhận định, lạm phát tại khối tiền tệ chung gồm 20 quốc gia châu Âu giảm xuống 2,7% trong tháng 11, từ mức 2,9% trong tháng 10. Lạm phát lõi - không tính những mặt hàng giá cả bấp bênh như năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá - đã giảm xuống 3,6% trong tháng 11, từ mức 4,2% trong tháng 10. Tốc độ tăng giá thực phẩm và đồ uống cũng chậm lại, còn 6,9% so với 7,4% trong tháng 10. Tuy nhiên, giá năng lượng tiếp tục giảm 11,5% trong tháng 11 sau khi đã giảm 11,2% trong tháng 10.

Thực tế, lạm phát tại Eurozone đã giảm đều kể từ mức đỉnh 10,6% ghi nhận vào tháng 10-2022 sau những biến động tại các thị trường do cuộc xung đột tại Ukraine. Mức này cho thấy, các biện pháp kiềm chế lạm phát do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) triển khai tỏ ra có hiệu quả. Mới đây, cơ quan này đã tạm dừng chuỗi tăng lãi suất chưa từng thấy.

Các chuyên gia dự báo ngân hàng này thậm chí có thể tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Thực tế, nhiều thị trường kỳ vọng ECB sẽ có ít nhất 4 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024, qua đó đưa lãi suất tiền gửi trở lại 2,75% từ mức kỷ lục 4% hiện nay. Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết, ECB sẽ tiếp tục dựa trên các dữ liệu về kinh tế và quan điểm tại các cuộc họp để đưa ra quyết định về lãi suất trong thời gian tới.

Tín hiệu tích cực về lạm phát được kỳ vọng có thể cho phép châu Âu sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Một động lực có thể giúp châu Âu trong tiến trình này là nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc đang đón nhận những dự báo tích cực. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, theo dự báo mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sẽ là 2,4% năm 2023 và 1,5% năm 2024, cao hơn mức 2,2% và 1,3% theo dự báo trước đó. Tương tự, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 được nâng lên 5,2%, so với mức 5,1% dự kiến trước đó và số liệu tương ứng của năm 2024 lên 4,7% so với mức dự báo trước đó là 4,6%, cả hai đều cao hơn nhiều mức tăng trưởng 3% năm 2022. Thông qua việc mua hàng hóa nhiều hơn, hai nền kinh tế này hoàn toàn có thể “tiếp sức” cho kinh tế châu Âu - vốn thiên về sản xuất và chế tạo.

Dĩ nhiên các nhà điều hành kinh tế Lục địa già không thể chủ quan, bởi vẫn còn nhiều thách thức trước mắt. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo nguy cơ về một cú sốc năng lượng có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Đến nay, EU đã thành công trong việc “cai” khí đốt Nga, sau khi các quốc gia trong khối khốn đốn vì bị Nga giảm cung ứng khí đốt trong năm 2022. Tuy nhiên, việc này lại khiến họ phụ thuộc ngày càng nhiều vào LNG nhập khẩu từ một số nước khác. Trong bối cảnh như vậy, bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung LNG ở nơi nào trên thế giới cũng có thể tác động đến giá khí đốt ở châu Âu.

Tiếp đến, lạm phát giữa các nước thành viên Eurozone vẫn có những khoảng cách nhất định, đồng nghĩa việc đạt mục tiêu lạm phát trung hạn 2% mà ECB đề ra đòi hỏi nhiều nỗ lực và những chính sách hết sức linh hoạt. Tháng qua, Slovakia là nước ghi nhận tỷ lệ lạm phát hằng năm cao nhất, ở mức 7,8%. Trong khi đó, lạm phát của Đức đã “chạm đáy” 3,0% từ hồi tháng 10, là mức thấp nhất kể từ tháng 8-2021. Bỉ là quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận giá tiêu dùng giảm trong tháng 11, với mức giảm 0,7%.

Cuối cùng, ngay cả khi nền kinh tế Eurozone hoạt động tốt hơn dự kiến thì tăng trưởng vào năm 2023 có thể sẽ yếu do thu nhập thực tế giảm mạnh và lãi suất tăng cao. Diễn biến ảm đạm chung của kinh tế toàn cầu chắc chắn cũng sẽ là gánh nặng không nhỏ. OECD cũng đã hạ dự báo GDP toàn cầu xuống mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2023, thấp hơn con số 3% đưa ra hồi tháng 9.

Dù tăng trưởng kinh tế còn chậm, song với những tín hiệu tích cực từ cuộc chiến chống lạm phát và có thêm động lực tăng trưởng, châu Âu đang đứng trước cơ hội phục hồi vững chắc hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề để tăng trưởng kinh tế ở châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.