Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền đề để mở rộng đăng ký hộ tịch trực tuyến

Hà Phong - Lý Thị Mai| 13/02/2022 08:26

(HNM) - Đến nay, tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Đây là tiền đề để mở rộng phạm vi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại.

Người dân tìm hiểu về đăng ký hộ tịch trực tuyến tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, 5 năm qua, công tác đăng ký hộ tịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện khá đồng bộ của các cấp, các ngành và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch thông qua bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã hình thành, với trọng tâm là phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí triển khai thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến cuối năm 2021, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử ghi nhận 21.246.221 dữ liệu khai sinh với 6.486.428 dữ liệu khai sinh đủ điều kiện, đã được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân; 4.247.455 dữ liệu kết hôn; 5.145.840 dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 3.010.027 dữ liệu khai tử với 9.572 ghi nguyên nhân tử vong vì dịch Covid-19; 9.626 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 493.507 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Tại Hà Nội, dữ liệu về hộ tịch được số hóa liên tục, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và nhiều quy trình còn triển khai gộp theo cơ chế “một cửa liên thông” gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, được người dân hào hứng đón nhận. Anh Đoàn Chí Kiên ở phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trước đây, khi làm giấy khai sinh xong, người dân phải đến Công an phường để nhập khẩu và đến cán bộ phụ trách bảo hiểm xã hội tại địa bàn cư trú để làm thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng hiện nay, chỉ cần đến UBND phường nộp hồ sơ và đến nhận kết quả cho cả 3 thủ tục nói trên. “Tôi kinh doanh, thời gian bị bó hẹp, việc gộp các thủ tục này đã giúp tôi và gia đình giảm một khoản chi phí trong việc làm thủ tục giấy tờ và giảm thời gian đi lại ít nhất 4 lần”, anh Đoàn Chí Kiên nói.

Mặc dù vậy, tính trên toàn quốc, việc xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử vẫn là một thách thức lớn. Hầu hết các địa phương chưa xác định được tỷ lệ này hoặc có đưa ra tỷ lệ nhưng đều là những con số bất hợp lý do chưa thống nhất được cách tính và khoanh vùng tính số liệu chưa chính xác. Mặt khác, hiện chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các ngành: Tư pháp, Y tế, Thống kê, Công an dẫn đến dữ liệu chưa đầy đủ, thống nhất và thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng sông nước…, hầu hết các gia đình có người thân qua đời không đi đăng ký khai tử, thậm chí có trường hợp chết đã trên 20 năm mới yêu cầu khai tử.

Xác định, dữ liệu hộ tịch là dữ liệu sống, “nuôi” cho dữ liệu quốc gia về dân cư, do đó, ngoài phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, Bộ Tư pháp đã chỉnh sửa phần kết nối dữ liệu giữa hai bộ: Tư pháp và Công an để đáp ứng được mục tiêu kết nối giữa dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư, phục vụ người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) sẽ tập trung nguồn lực triển khai dự án đầu tư công về xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm sớm đi vào vận hành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, báo cáo lãnh đạo các địa phương cho phép cập nhật, số hóa các giấy tờ bằng văn bản trong lĩnh vực này.

Đây sẽ là tiền đề để các địa phương mở rộng phạm vi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, làm thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, góp phần thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề để mở rộng đăng ký hộ tịch trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.