Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêm vắc xin miễn phí cho trẻ: Khó thuyết phục phụ huynh

Tuệ Diễm| 13/03/2015 07:09

(HNM) - Do tâm lý e ngại vắc xin miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) gây tác dụng phụ cho trẻ, nhiều phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục trông chờ vào nguồn vắc xin dịch vụ. Khi nguồn vắc xin này đã cạn, nhiều phụ huynh đã bế con trở về để tiếp tục chờ đợi khiến ngành y tế lo lắng.

Đưa con về chờ vắc xin

TP Hồ Chí Minh là đơn vị có sử dụng dịch vụ Pentaxim (vắc xin 5 trong 1), Infanrix (vắc xin 6 trong 1) thuộc tốp đầu trong cả nước. Nếu như năm 2012 có 61.000 liều vắc xin dịch vụ thì bước sang năm 2013, số lượng tiêu thụ vắc xin này tăng gấp 2 lần và đỉnh điểm là năm 2014 tăng lên 148.000 liều. Số liều này, tương đương với 1/3 số trẻ của toàn TP Hồ Chí Minh trong độ tuổi tiêm phòng.



Tuy nhiên, hiện nay vắc xin dịch vụ đã hết, trong khi đó nhu cầu người dân TP Hồ Chí Minh đang tăng lên nhanh chóng. Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ - Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện quốc tế Thành Đô cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ ở Bệnh viện quốc tế Thành Đô tăng cao gấp 5 - 6 lần so cùng kỳ năm trước. Do nguồn cung cấp tạm ngừng nên bệnh viện có một số loại vắc xin bị tạm hoãn tiêm ngừa như: Meningo AC, Pneumo 23, Jevax, Infanrix hexa, Vaxigrip. Tại Viện Paster TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi bệnh viện có thông báo hết vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, nhiều phụ huynh đã tỏ ra rất hoang mang. Anh Nguyễn Văn Đức, ngụ tại quận 4 cho biết "Tôi đưa con đến tiêm mũi vắc xin dịch vụ lần thứ 2 thì được thông báo hết thuốc.

Các bác sĩ khuyên phải tiêm Quinvaxem miễn phí, tôi rất lo ngại nên bế con về để chờ". Trước vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh lo ngại: "Việc phụ huynh bế trẻ về để chờ đợi vắc xin dịch vụ là sai quy định an toàn tiêm chủng. Liều vắc xin này chỉ tác dụng miễn nhiễm trong vòng 2-3 tháng sau mũi tiêm thứ nhất. Nếu không cho trẻ tiêm tiếp theo lịch tiêm chủng thì có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Trước mắt, trẻ sẽ dễ mắc bệnh như ho gà, bạch hầu. Đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng đã ghi nhận vài trường hợp trẻ nhiễm bệnh do phụ huynh chờ vắc xin dịch vụ, hoặc không tiêm phòng đúng lịch theo Bộ Y tế quy định".

Theo thống kê, trong năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh thực hiện 280.000 mũi tiêm Quinvaxem miễn phí theo chương trình TCMR của Bộ Y tế. Có 28 trường hợp trẻ bị sốt và 2 trường hợp trẻ bị sốc phản vệ. Xác suất phản ứng với vắc xin rất thấp, tuy nhiên, do tâm lý lo sợ mất an toàn, nên hiện 1/3 số phụ huynh của thành phố có trẻ trong độ tuổi tiêm phòng vẫn đang chờ vắc xin dịch vụ.

Vắc xin miễn phí chờ trẻ

Để khắc phục tình trạng chờ vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai tiêm vắc xin miễn phí tại các điểm tiêm dịch vụ từ ngày 10-3. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo các bác sĩ tại 100 điểm tiêm dịch vụ. Theo đó, các bác sĩ phải tư vấn cho phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc xin Quinvaxem thay thế, tránh để tình trạng phụ huynh bế con trở về. Trong tuần này, Sở Y tế thành phố cũng tiếp tục tổ chức cho 24 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và 24 bệnh viện quận, huyện tiêm vắc xin miễn phí. Trung tâm Y tế dự phòng bảo đảm cung ứng đầy đủ vắc xin này.

Dù vậy ông Nguyễn Trí Dũng cũng bày tỏ lo ngại: "Khoảng 1/3 phụ huynh TP Hồ Chí Minh vẫn tin chọn vắc xin dịch vụ. Để thay đổi suy nghĩ của họ là vấn đề khó". Thực tế, phụ huynh chờ đợi vắc xin không chỉ mới xảy ra trong thời gian này. Từ năm 2014, vắc xin dịch vụ cũng khan hiếm, Sở Y tế thành phố đã chủ động triển khai chương trình vừa tiêm vắc xin dịch vụ song song với tiêm vắc xin miễn phí tại 9 điểm gồm các bệnh viện: Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định và 2 trung tâm là Trung tâm Dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, hiệu quả thu lại không cao. Phụ huynh vẫn giữ động thái chờ vắc xin dịch vụ, mà không lựa chọn vắc xin miễn phí.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiêm vắc xin miễn phí cho trẻ: Khó thuyết phục phụ huynh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.