(HNMO) - Sau Covid-19, người dân càng hiểu thêm vai trò đặc biệt quan trọng của vắc xin, nhất là thời điểm hiện nay khi biến thể phụ XBB xâm nhập cùng nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 thì vắc xin được coi là vũ khí phòng bệnh quan trọng nhất, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; đồng thời là quốc gia có số liều vắc xin sử dụng, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới. Hiện, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số nước ta cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italia.
Để có được kết quả này, trong hơn 2 năm dịch Covid-19, ngành Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vắc xin về Việt Nam. Riêng Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đã vượt mọi khó khăn, thần tốc đẩy mạnh phát triển hệ thống trung tâm tiêm chủng về mọi miền, đặc biệt là các tuyến xã, tuyến huyện, giúp càng nhiều trẻ em và người lớn có được thêm cơ hội tiêm vắc xin phòng bệnh trong thời điểm dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh nguy hiểm chồng chéo. Số lượng trung tâm tiêm chủng VNVC chính thức đưa vào hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lên đến 50 trung tâm - bằng số lượng của 3 năm trước cộng lại.
Nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc xin rất cao, năm 2022, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng ngừa vẫn diễn biến phức tạp do tình trạng thiếu hụt vắc xin kéo dài ở nhiều đơn vị y tế trên khắp cả nước, làm gián đoạn tiêm chủng ở cả trẻ em và người lớn.
Trước thực tế đó, VNVC đã nỗ lực tiên phong đưa về nhiều loại vắc xin mới, vắc xin khan hiếm, vắc xin chưa từng có tại Việt Nam để người dân có cơ hội phòng bệnh. Tính đến tháng 1-2023, VNVC có 100 trung tâm tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc. Đặc biệt, hệ thống tiêm chủng VNVC đã đầu tư xây dựng mạng lưới kho lạnh đạt chuẩn quốc tế Good Storage Practices (GSP) cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) tại tất cả trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Đây là điều kiện để VNVC chủ động hệ thống vận chuyển, cấp phát vắc xin nhanh chóng, điều chuyển vắc xin đến các trung tâm ngay trong ngày, từ đó hạn chế tối đa việc thiếu hụt hay khan hiếm vắc xin như nhiều đơn vị khác.
PGS.TS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tình hình các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm phổi, sởi trong những ngày giáp Tết 2023 đang phức tạp. Số bệnh nhi mắc cúm đang tăng đều. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày có khoảng hơn 20 trường hợp bệnh nặng nằm viện.
Phân tích nguyên nhân khiến cúm tăng cao vào cuối năm nay, theo PGS.TS Chu Thị Hạnh, phần lớn là do người dân chưa thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ. Hầu hết những ca nhập viện đều chưa tiêm phòng hoặc không tiêm nhắc lại, trong khi cúm năm nay bùng phát trở lại nguy hiểm hơn so với mọi năm. Nếu cứ tiếp tục lơ là tiêm chủng, trong thời điểm mùa đông-xuân không khí lạnh tăng cường và dịp Tết nguyên đán sắp tới, không chỉ cúm mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác như Covid-19, thuỷ đậu, sởi cũng có nguy cơ “dịch chồng dịch” khi cộng đồng gia tăng đi lại.
Theo các chuyên gia y tế, không chỉ Covid-19 mà người dân cần triển khai tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh hiện có theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tiêm vắc xin là trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, là biện pháp hữu hiệu trong phòng chống tất cả các bệnh truyền nhiễm, giúp giảm tỷ lệ tăng nặng, nhập viện và tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.