(HNM) - Có lẽ trong giới làm tóc ở Hà Nội không ai không nghe đến cái tên Nguyễn Thái Thành, chàng trai khiếm thính có đôi bàn tay vàng. 25 tuổi, anh là chủ nhân của rất nhiều bằng khen, giải thưởng lớn, đồng thời sở hữu một công ty chuyên về công nghệ thẩm mỹ và là chủ của một “Tiệm tóc vui vẻ”...
Trưởng thành từ “anh thợ làng”
Sở hữu đôi mắt híp dễ mến cùng một nụ cười tươi tắn, Nguyễn Thái Thành thực sự gây thiện cảm với bất cứ ai dù là lần đầu tiên tiếp xúc. Tuy không có khả năng nghe, nói nhưng trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi vẫn luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết cháy rực trong mỗi cử chỉ, ánh mắt của chàng trai quê Bắc Giang.
Nguyễn Thái Thành cắt tóc từ thiện cho trẻ em. |
Sinh năm 1991, hồi nhỏ Thành là một cậu bé bụ bẫm, kháu khỉnh. Mãi đến năm 3 tuổi, thấy con mình không bập bẹ tập nói như những đứa trẻ khác, bố mẹ anh nhiều lần gọi tên con thật to và chết lặng khi thấy con không hề có bất cứ phản ứng nào. Suốt một thời gian dài sau đó, gia đình đưa anh đi khắp nơi tìm thầy giỏi nhờ chữa trị, cầu mong một phép màu sẽ đến. Nhưng tất cả hy vọng ấy đều nhanh chóng bị dập tắt cùng những cái lắc đầu của bác sĩ…
Đến tuổi đi học, gia đình xin cho Thành vào học cùng trường với những học sinh bình thường khác với hy vọng giúp con cải thiện khả năng nghe nói. Thế nhưng, những ngày đầu cắp sách đến trường quả thực không hề dễ dàng đối với anh. “Tôi như phải “đánh vật” với việc làm quen với mặt chữ và nhớ cách ghép các vần. Không nghe được cô giáo nói gì nên tôi cũng không hiểu được bài. Mỗi lần kiểm tra, tôi thường ngồi vẽ lại đáp án với những con số, chữ cái loằng ngoằng. Ấy thế mà có bận tôi đạt điểm 10 khiến mọi người sửng sốt. Mọi người xúm lại hỏi, tôi bảo tôi chép bài của bạn”, anh cười ngại ngùng chia sẻ.
Không chỉ gian nan trong việc tiếp thu bài, Thành còn gặp khó khăn khi hòa nhập với bạn bè cùng trường, lớp. Trong những giờ ra chơi, các tiết ngoại khóa, Thành như kẻ lạc lõng giữa chốn ồn ào, náo nhiệt. Thương con phải chịu thiệt thòi, năm 2005, gia đình đưa Thành về Hà Nội học ở Trường dân lập dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính. Ở nơi đây, Thành nhận ra mình không phải là người duy nhất trên thế giới này không có khả năng nghe, nói. Cậu bé lại bắt đầu làm quen với những người nói thứ ngôn ngữ khác mình. Có chút lạ lẫm, chút nhớ nhà nhưng trên tất cả, nụ cười đã dần trở lại trên khuôn mặt của Thành.
Sau hai năm học tại đây, Thành được gia đình định hướng học nghề nấu ăn, may thêu nhưng anh sớm bỏ giữa chừng vì không hợp. Trong một lần về quê, cú xoay kéo điêu luyện của bác thợ cắt tóc gần nhà khiến anh cứ mê mẩn mãi. Không lâu sau đó, anh quyết định xin bố mẹ đi học cắt tóc. Anh và chị gái lang thang khắp các tiệm tóc ở Hà Nội để xin học nhưng không nơi nào nhận. Không nản lòng, Thành lại khăn gói về Bắc Giang và may mắn xin được vào học nghề ở một quán cắt tóc nhỏ. Càng học, càng say mê với nghề. Ngày đứng quan sát thầy, tối về anh tự thực hành trên ma nơ canh hoặc nhờ bố mẹ, người thân làm mẫu. Khi đã thạo nghề, Thành nhờ bố thông báo khắp làng, xóm sẽ cắt tóc miễn phí. Anh đeo đồ nghề quanh người, đạp xe quanh làng, hễ ai có nhu cầu đều sẵn sàng phục vụ.
“Năm 2008, vì muốn nâng cao tay nghề nên tôi trở lại Hà Nội. Lần này, nhờ một người bạn của chị gái giới thiệu, tôi được nhận vào một cửa hàng tóc lớn ở phố Khâm Thiên. Tất nhiên, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn vì không hiểu được những thuật ngữ chuyên môn mới. Trong lúc thầy giảng, tôi chỉ biết cố gắng tập trung cao độ, ghi nhớ hết mọi thứ, chỗ nào không hiểu thì mượn vở của bạn về xem lại”, anh chia sẻ.
Cứ thế, nhờ tinh thần chịu khó, ham học hỏi cộng với việc từng có thời gian đi làm nên Thành sớm tỏ ra vượt trội hơn so các bạn cùng học. Anh được đưa lên phòng làm tóc hạng sang để phục vụ khách VIP. Thậm chí, nhiều khách hàng còn trực tiếp yêu cầu Thành làm, trong số đó có không ít người nổi tiếng như Hoa hậu Dương Thùy Linh, Á hậu Thụy Vân…
“Tiệm tóc vui vẻ” của những người khiếm thính
Giành được Giải triển vọng trong một cuộc thi làm đẹp năm 2010, Thành càng có động lực theo đuổi nghề mình đã chọn. Một năm sau, anh quyết định mở hiệu tóc riêng. Cửa hàng bấy giờ tuy vẫn còn rất nhỏ nhưng với Thành nó đã là cả thế giới. Anh tỉ mỉ trang trí theo phong cách rất… "xì tin" và ấm cúng. Những vị khách hàng đầu tiên đều là khách quen ở chỗ làm cũ hoặc do bạn bè anh giới thiệu. Về sau anh dùng Facebook để mọi người biết đến cửa hàng của mình nhiều hơn. Do đặc thù của quán nên khách đến làm tóc chỉ cần ghi yêu cầu ra giấy hoặc nhắn tin là sẽ được đáp ứng theo yêu cầu.
“Tiệm tóc vui vẻ” là cụm từ vui mà chúng tôi dành để nói về cửa hàng làm tóc của Nguyễn Thái Thành. Là người bị khiếm thính bẩm sinh, hơn ai hết Thành hiểu được nỗi khổ của những người khuyết tật. Bởi vậy, ngay từ khi mở cửa hàng, anh đã tiếp nhận, giúp đỡ rất nhiều người khiếm thính ở các tỉnh, thành đến học nghề. Mỗi người một vùng quê, một số phận khác nhau, trải qua một thời gian làm việc cùng nhau, họ trở nên gắn bó như anh em cùng nhà, chia sẻ với nhau mọi ngọt bùi trong cuộc sống. Sau khi học xong, một số ở lại làm việc, một số khác trở lại quê mở tiệm riêng. Năm 2014, Thành tiếp tục tham gia vào một dự án từ thiện và nhận dạy học làm tóc miễn phí cho 7 người. Tính đến nay, anh đã đào tạo được 7 khóa với 35 học viên.
Đặc biệt, bên cạnh việc học nghề, các học viên khiếm thính còn được Thành tạo điều kiện tham gia các hoạt động từ thiện như tổ chức tặng quà cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề từ thiện vào các dịp 1-6, Tết Trung thu; tham gia buổi nói chuyện với các trẻ em khiếm thính tại Chi hội Người điếc Hà Nội, nhóm trẻ điếc Trường Nhân Chính, Trung tâm Cứu trợ nhân đạo trẻ em HSCV; tham gia các chương trình làm tóc thiện nguyện cho các chương trình hoạt động xã hội…
Một trong những điều khiến mọi người xung quanh quý mến anh chàng “mắt híp” Nguyễn Thái Thành chính là tinh thần ham học hỏi, sáng tạo không ngừng. Chẳng những nhiều lần bay vào TP Hồ Chí Minh để học nâng cao tay nghề, Thành còn tranh thủ học thêm các khóa học trang điểm. Giải thưởng Cây cọ vàng năm 2013 là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng trai 9X này. Anh cũng là một trong số những người vinh dự được bầu chọn là Gương mặt trẻ triển vọng, được trao giải trong buổi lễ vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.
Hiện nay, Nguyễn Thái Thành đã thành lập được một công ty cho riêng mình. Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh cho biết: “Tôi đang tích cực trau dồi thêm vốn tiếng Anh để thời gian tới sang Châu Âu học hỏi những phong cách, kỹ thuật mới, kỹ năng xây dựng, phát triển doanh nghiệp và đặc biệt, tôi muốn có cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm thêm về văn hóa của các nước trên thế giới…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.