Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiềm năng trí tuệ của người Việt rất đáng tự hào

Thế Dũng thực hiện| 02/09/2010 06:14

(HNM) -


Giáo sư Ngô Bảo Châu, niềm tự hào của khoa học Việt Nam. Ảnh: Viết Thành

- Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lắng nghe tiếng nói của giới trí thức. Trong số 14 vị tham gia Chính phủ, phần lớn là nhân sĩ trí thức như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh... và những trí thức theo tiếng gọi của Bác từ nước ngoài trở về như Trần Đại Nghĩa, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng... đã có nhiều cống hiến cho đất nước trong những thời điểm hết sức khó khăn.

Ngoài đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng chính trị lãnh đạo phong trào hay cầm quyền, thì uy tín cá nhân của người lãnh đạo cao nhất đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhiều trí thức tiêu biểu đã đi theo cách mạng và kháng chiến chỉ vì tin và kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, đức tin trong lòng dân ở thời kỳ giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước là hết sức mạnh mẽ.

Ngày nay, để thu hút được nhân tài phải có những thay đổi cơ bản trong công tác tổ chức - cán bộ của Đảng và Nhà nước.

- Thưa PGS-TS Chu Hảo, ông có cho rằng vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế sau sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields được nâng lên hay không?

- Giải thưởng quốc tế cho cá nhân một nhà khoa học, dù cao quý đến mấy, cũng không thể làm thay đổi ngay vị thế nền khoa học của một đất nước. Sự kiện GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields là bằng chứng xác đáng khẳng định tiềm năng trí tuệ rất đáng tự hào trong nghiên cứu khoa học (đặc biệt là trong toán học) của người Việt Nam. Nhưng từ tiềm năng đến năng lực làm toán thật sự (chứ không phải học toán) để có một nền toán học đỉnh cao là một khoảng cách rất xa.

- Học sinh, sinh viên Việt Nam giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi trí tuệ quốc tế nhưng để phát triển đội ngũ này có thể trở thành những người tiếp bước được GS Ngô Bảo Châu thì cần những điều kiện gì? Tôi chợt nhớ đến câu nói của ai đó rằng, những hạt giống tốt không được gieo đúng thời vụ sẽ chẳng bao giờ cho một mùa màng tốt, quan điểm của PGS-TS về vấn đề này ra sao?

- Việc học sinh, sinh viên Việt Nam giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế mới chỉ chứng tỏ khả năng học toán của các thế hệ trẻ Việt Nam rất tốt. Còn làm toán như những nhà toán học thực thụ thì còn cần phải có một môi trường nghiên cứu tốt. Môi trường thuận lợi ấy hiện nay chưa thấy ở các viện nghiên cứu và trường đại học của chúng ta.

- Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng với việc chăm lo cho đội ngũ trí thức cũng như tạo điều kiện cho họ có môi trường nghiên cứu tốt. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc ban hành Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đã hai năm kể từ khi nghị quyết được triển khai, theo PGS-TS đến nay chúng ta đã làm tốt và chưa tốt điều gì?

- Theo tôi, nghị quyết của Đảng về phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới chưa thực sự đi vào cuộc sống vì chưa thấy có sự đột phá nào về môi trường học thuật dân chủ cũng như khuyến khích vật chất cho tầng lớp lao động trí óc nói chung và trí thức nói riêng. Nếu phát huy dân chủ và công khai, minh bạch trong việc tuyển chọn nhân tài sẽ là động lực quan trọng trong việc khơi dậy lòng tự cường dân tộc để tầng lớp trí thức hăng hái cống hiến cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

- Trong phát biểu của GS Ngô Bảo Châu tối 29-8, GS có nhắc nhiều đến câu chuyện nhà khoa học Việt Nam cần có môi trường khoa học tự do tuyệt đối, đạo đức khoa học, không phân biệt "ngôi - thứ" trong khoa học. PGS-TS có đồng ý với quan điểm nêu trên không và phải làm gì để có thể đáp ứng được yêu cầu đó?

- Tôi trân trọng và tán thành những ý kiến, những chia sẻ chân tình, chừng mực và sắc sảo của GS Ngô Bảo Châu. Thái độ đĩnh đạc của GS đã làm giảm phần nào sự hưng phấn thái quá đang "bủa vây" GS trong mấy ngày qua. Sức ép của sự nổi tiếng đã không làm nhà khoa học trẻ tuổi đang ở đỉnh cao vinh quang mất đi vẻ hồn nhiên thông thái. Ở nước ta hiện nay cả nền giáo dục quốc dân lẫn khoa học công nghệ đang có nhiều điều bất cập. Nếu nhân dịp này mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước có những quyết sách đột phá để cải cách toàn diện, triệt để hệ thống giáo dục và chấn hưng nền học thuật (nghiên cứu khoa học) nước nhà như mong muốn của GS Ngô Bảo Châu thì đó là điều may mắn lớn. Trong phát biểu của mình GS có nhấn mạnh đến đạo đức khoa học và môi trường tự do tuyệt đối trong nghiên cứu. Đó là những điều hết sức cốt lõi trong nghiên cứu khoa học mà chúng ta còn thiếu: thiếu sự trung thực và thiếu sự khuyến khích tự do tư duy.

Ngày nay những chuẩn mực tối thiểu trong học thuật đang bị xem nhẹ, thói hư danh và sức ép của quy trình "tiêu chuẩn hóa cán bộ" đã tạo ra sự giả dối trong hoạt động khoa học, công nghệ và giáo dục - đào tạo. Điều băn khoăn của GS Ngô Bảo Châu cũng là nỗi lo lắng của nhiều người thực sự quan tâm đến không khí học thuật có dấu hiệu xuống cấp ở nước ta hiện nay.

Tôi cho rằng, cái tự do tuyệt đối mà GS Ngô Bảo Châu đặt ra là "điều kiện cần" tối thiểu cho các hoạt động tư duy sáng tạo. Nếu trong khoa học chỉ những nghiên cứu mà kết quả tính ngay được ra bằng tiền mới được khuyến khích, mới được "tự do sáng tạo" thì những nghiên cứu cơ bản ở trình độ càng cao càng chết yểu sớm; mà thiếu những nghiên cứu cơ bản ấy thì các nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cũng không thể tiến xa được. Nếu cho rằng các nghiên cứu đỉnh cao "không mấy thực tế" như của Ngô Bảo Châu chỉ là để thỏa mãn cá nhân thì e rằng đó là cách nhìn thiển cận, bỏ qua giá trị vĩnh cửu của các công trình góp phần nâng cao trí tuệ của nhân loại.

Xin cảm ơn PGS - TS Chu Hảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng trí tuệ của người Việt rất đáng tự hào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.