Du lịch

Tiềm năng phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc chưa được khai thác như kỳ vọng

Hoàng Lân 27/08/2024 - 09:59

Việt Bắc là một trong 7 vùng di sản văn hóa của Việt Nam và có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác như kỳ vọng.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-trungtruc-2022-06-05-_babe-2.jpg
Ngày 27-8, các đơn vị lữ hành Hà Nội có hoạt động khảo sát du lịch tại hồ Ba Bể (Bắc Kạn) trong khuôn khổ chương trình liên kết du lịch với các tỉnh Việt Bắc. Ảnh: Hoàng Quyên

Trong 2 ngày 26 và 27-8, Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 6 tỉnh vùng Việt Bắc tổ chức chương trình “Hành trình Việt Bắc - Kết nối và quảng bá vùng di sản xanh Việt Bắc” với các hoạt động: Ký kết liên kết hợp tác trong phát triển du lịch; chương trình nghệ thuật “Du lịch qua những vùng di sản Việt Bắc"; khảo sát một số điểm du lịch...

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, doanh số ngành du lịch cả nước đạt 436 nghìn tỷ đồng, trong đó, 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng. Con số này phản ánh du lịch vùng Việt Bắc hiện mang về nguồn thu còn khá khiêm tốn so với doanh thu của ngành. Nhưng mặt khác lại cho thấy bức tranh về tiềm năng du lịch to lớn mà các địa phương trong vùng đang để ngỏ.

Việt Bắc được xếp vào một trong 7 vùng di sản văn hóa của Việt Nam bởi những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên: Địa lý - khí hậu - thổ nhưỡng và văn hóa. Công viên địa chất toàn cầu Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn hay những vùng non nước hữu tình như Bắc Kạn, Tuyên Quang là những điểm đến nổi tiếng với nhiều du khách. Các di tích lịch sử gắn với những chuyến về nguồn cũng là những điểm thu hút khách du lịch.

Việt Bắc sở hữu lợi thế về vị trí địa lý đặc biệt, có 3/6 tỉnh tiếp giáp biên giới Trung Quốc mở ra cơ hội kết nối du lịch, giao thương xuyên biên giới. Các tỉnh trong vùng có môi trường tự nhiên, thiên nhiên hữu tình với các dãy núi có độ cao trung bình và những con sông rộng lớn. Ngoài ra, Việt Bắc còn được mệnh danh là “Thủ đô gió ngàn”, là điểm đến của những câu chuyện kể về lịch sử đấu tranh giữ nước.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-trungtruc-2022-06-05-_babe-1.jpg
Hồ Ba Bể - một trong những điểm đến hấp dẫn của Bắc Kạn nói riêng và vùng Việt Bắc nói chung. Ảnh: Hoàng Quyên

Trước những tiềm năng lợi thế đó, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch vùng Việt Bắc, Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với 6 tỉnh Việt Bắc, đồng thời, tham gia chuỗi sự kiện quảng bá, kết nối và khảo sát du lịch.

Tại Hội nghị ký kết hợp tác toàn diện về truyền thông du lịch diễn ra ngày 26-8 tại Bắc Kạn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn Hà Văn Tiến cho rằng, việc liên kết sẽ tạo nên sự hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển, quảng bá du lịch cũng như xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng trong đa dạng bản sắc văn hóa, di sản, thiên nhiên của vùng Việt Bắc. Việc ký kết hợp tác thỏa thuận với Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy đối tượng khách du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến với Việt Bắc nhiều hơn.

Còn theo Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Hà, đây là kết quả của các chương trình hợp tác quảng bá du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh vùng Đông Bắc. Từ sự kiện kết nối này, các đơn vị lữ hành hai miền sẽ xây dựng được nhiều tuyến điểm mới, tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình “Kết nối và quảng bá vùng Di sản xanh Việt Bắc”, các đơn vị lữ hành của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tham dự chương trình nghệ thuật quảng bá du lịch Việt Bắc “Du lịch qua những vùng di sản Việt Bắc”. Sáng 27-8, các đơn vị có hoạt động khảo sát các điểm du lịch tại tỉnh Bắc Kạn như: Hồ Ba Bể, đền An Mạ, bản Pác Ngòi, động Hua Mạ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc chưa được khai thác như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.