(HNM) - Backpacker được hiểu là “du lịch bụi”, thường được những người có mức sống trung bình thấp lựa chọn.
Xu thế chung của thế giới
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, việc tự thiết kế tour, tự đặt dịch vụ hay đi du lịch kiểu “Tây ba lô” là xu thế không thể phủ nhận của thế giới vì sự bùng nổ về thông tin qua mạng internet đã giúp khách du lịch có thể tự thực hiện những công việc này. Xu hướng nói trên chắc chắn sẽ ngày càng phát triển và Việt Nam có thể tận dụng điều đó. "Ngành Du lịch cần có những đánh giá đúng về thị trường khách này. Bởi “Tây ba lô” bao gồm cả những người ít tiền, thích đi du lịch và những người có nhiều tiền nhưng thích hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá. Họ không chỉ có khả năng chi trả, mà còn có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới thông qua việc post ảnh, đăng bài viết trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter...", ông Phạm Trung Lương nhận xét.
Ngành Du lịch cần có kế hoạch dài hơi đáp ứng tốt nhu cầu của “Tây ba lô”. Ảnh: Sơn Hà |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet bày tỏ: "Chúng ta không nên kén chọn. Ai cũng thích đối tượng khách du lịch nhiều tiền, có khả năng sử dụng dịch vụ cao cấp, shopping nhiều, đi theo đoàn, trật tự, văn minh, nhưng du lịch bụi đang là trào lưu của thế giới. Internet rất phổ biến và nhờ đó, người ta có thể tự đặt vé máy bay, đặt phòng, tự đi để có trải nghiệm, khám phá. Tại sao họ lại chọn Việt Nam? Vì với nhiều người trong nhóm khách này, ngân quỹ dành cho việc đi du lịch khá eo hẹp mà Việt Nam lại được coi là thiên đường cho du lịch bụi...", ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nơi có nhiều điểm đến để "Tây ba lô" khám phá. Từ văn hóa, con người, lịch sử, đến danh lam thắng cảnh. Điều quan trọng mà ngành Du lịch cần nhận rõ, là dù khách "Tây ba lô" có thu nhập thấp nhưng họ lại đến từ những nước phát triển, nên dù chỉ chi tiêu 20 USD/ngày thì ngành Du lịch cũng sẽ thu được 20 USD chứ không rơi một phần lợi nhuận vào túi doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch Five Stars Travel chia sẻ, khách “Tây ba lô” đặc biệt giúp ích cho sự phát triển du lịch cộng đồng, đem lại nguồn thu nhất định cho một nhóm cư dân, từ những người bán thức ăn đường phố đến hộ kinh doanh dịch vụ homestay. “Tây ba lô” cũng là những người hoạt động xã hội rất mạnh. "Về cơ bản, họ cũng giống như khách du lịch "bụi" (phượt) của Việt Nam. Trước đây, rất ít người biết đến Hà Giang. Nhưng rồi khách phượt tới, họ viết bài, post ảnh lên mạng xã hội, rồi du lịch Hà Giang phát triển. Tương tự như vậy, “Tây ba lô” cũng góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam ra thế giới. Chúng ta nên đón nhận và tôn trọng họ", ông Lương Duy Doanh nhấn mạnh.
Cần đầu tư cho thị trường khách “Tây ba lô”
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Mark Hampton (Đại học Kent, Vương quốc Anh), 70% đến 80% khách du lịch “Tây ba lô” có độ tuổi 20 - 29, trong số đó, 20% là sinh viên và 40% là người có trình độ học vấn từ đại học trở lên. “Tây ba lô” thường tiêu không quá 15 USD/ngày cho các nhu cầu ăn uống, đi lại, ngủ nghỉ... Họ thường không tới những nơi mà khách du lịch thông thường ưa thích, mà hướng đến việc khám phá những vùng đất mới. Nhưng, thời gian lưu trú của khách du lịch "bụi" dài hơn từ 3 đến 5 lần so với khách du lịch bình thường. Tại Việt Nam, thời gian lưu trú trung bình của họ là 37,1 đêm, cao hơn cả Thái Lan (33,5 đêm). Như vậy, rõ ràng họ là nguồn khách tiềm năng mà các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn mô hình vừa và nhỏ nên hướng tới.
Theo nhóm nghiên cứu Greg Richards and Julie Wilson (Tổ chức Nghiên cứu du lịch quốc tế ISTC), một khách “Tây ba lô” tiêu khoảng 2.200 USD cho một chuyến đi, nhiều hơn so với khách du lịch thông thường (1.470 - 1.800 USD). Điều đáng lưu ý là người dân địa phương sẽ được hưởng phần lớn trong số tiền này vì họ thường sử dụng các dịch vụ bình dân. Họ cũng dùng các sản vật của địa phương chứ không tiêu thụ những sản phẩm cao cấp, xa xỉ nhập khẩu. Đặc điểm tiêu dùng đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà hàng, người dân địa phương có thể tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có tại địa phương để thỏa mãn nhu cầu của khách, không phải bỏ quá nhiều vốn mà lợi ích mang lại không nhỏ.
Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, trong nhiều năm qua chúng ta đã bỏ quên mảng khách "Tây ba lô" và không có nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức tới mảng khách này. Mặc dù trong thời gian gần đây, chuỗi khách sạn giá rẻ đang được mở ra tại các điểm du lịch như Hà Nội, Quảng Bình, Huế, Hội An... thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài. Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, bởi các dịch vụ phụ trợ hướng đến nhóm du khách "Tây ba lô", như: Phương tiện di chuyển cá nhân, hỗ trợ thông tin... là rất cần thiết để giữ chân du khách.
Với những tiềm năng như đã phân tích ở trên, hy vọng trong thời gian tới, mảng khách “Tây ba lô” sẽ được quan tâm nhiều hơn. Trước mắt, ngành Du lịch ở các địa phương cần có kế hoạch dài hơi cho mảng công việc này; định hướng doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án cụ thể để tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu của khách “Tây ba lô”, đem lại nguồn thu ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.