Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực hỗ trợ người lao động

Gia Khánh| 09/10/2022 06:42

(HNM) - Trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2021, “bức tranh” về thị trường lao động quý III-2022 của nước ta đã có rất nhiều điểm sáng. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III-2022 là 6,7 triệu đồng/người, tăng 143.000 đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Sự phục hồi và phát triển kinh tế đã giúp thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng từ quý I đến quý III-2022, trái với xu thế thường thấy trước đây. Trong các năm trước, thu nhập bình quân của người lao động ở quý II thường giảm so với quý I do các khoản thưởng Tết, chi trả lương tháng 13 được thực hiện trong quý I. Trong năm 2022, thu nhập của người lao động quý I vẫn chịu tác động của dịch Covid-19 nên mức tăng chưa cao như mọi năm. Sự phục hồi kinh tế trong quý II và quý III đã giúp thu nhập của người lao động tiếp tục gia tăng, góp phần ổn định an sinh xã hội, bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Mức tăng thu nhập của người lao động phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế cũng thể hiện qua số liệu thu nhập bình quân của từng nhóm ngành. Chẳng hạn, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ lưu trú, ăn uống có tốc độ phục hồi nhanh, tăng trưởng cao nên thu nhập bình quân của lao động nhóm ngành này cũng có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Thu nhập của người lao động tăng cao là tín hiệu vui, song cũng phải lưu ý rằng, đi cùng với thu nhập của người lao động là đà tăng giá mặt hàng thiết yếu. Theo số liệu thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2022 tăng 0,4% so với tháng 8-2022; tăng 3,94% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 4,01% so với tháng 12-2021. Bình quân quý III-2022, CPI tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giá xăng, dầu tăng 21,77%, thực phẩm tăng 2,33%. Mặc dù CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021, trong tầm kiểm soát và thấp hơn chỉ tiêu đề ra, nhưng chắc chắn người lao động vẫn bị ảnh hưởng. Nhất là khi xét về cơ cấu, mức tăng thu nhập của người lao động không đồng đều; lao động khu vực thành thị có thu nhập cao hơn khu vực nông thôn; lao động khu vực công nghiệp, xây dựng có mức tăng thu nhập bình quân cao hơn lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Ngoài ra, thị trường lao động vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro, vì vậy đời sống của người lao động vẫn cần phải được hỗ trợ, chăm lo nhiều hơn. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chủ trương hỗ trợ người lao động, như hỗ trợ tiền thuê nhà (khoảng 5 triệu lao động), trợ cấp thất nghiệp… Mới nhất, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công ty tài chính triển khai chương trình cho công nhân lao động vay lãi suất ưu đãi. Bộ Xây dựng và các địa phương triển khai chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Cùng với chính sách an sinh xã hội, các chương trình chăm lo cho người lao động trên cần được đẩy nhanh, góp phần bảo đảm đời sống người lao động bền vững.

Trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì, phát triển thị trường lao động là vấn đề quan trọng. Muốn vậy, cần chủ động ứng phó với dịch Covid-19, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… để duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn nữa. Đi cùng với đó là tích cực hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động; kết nối cung cầu lao động - việc làm, chú trọng đào tạo nghề, từ đó cải thiện chất lượng nhân lực, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực hỗ trợ người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.