Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủy lợi thành... thủy hại

Thúy Nga| 23/05/2012 07:01

(HNM) - Hệ thống thủy lợi đang phải đối đầu với tình trạng xuống cấp và ô nhiễm, không những ảnh hưởng đến việc tưới tiêu mà còn làm cho cây trồng, vật nuôi chết, người dân thiếu nước sinh hoạt.


Đặc biệt, tại các vùng ven đô, mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người nông dân. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ trong quản lý, kiểm tra các hệ thống công trình thủy lợi để từng bước kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm chất lượng nước tưới, nước sinh hoạt và dịch vụ.


Các công trình thủy lợi cần được quản lý, vận hành và khai thác có hiệu quả để tránh ô nhiễm môi trường nước.Ảnh: Thái Hiền

Nước ta có hệ thống thủy lợi dày đặc với 904 công trình thủy lợi lớn và vừa có quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên; hơn 5.000 hồ chứa các loại, với tổng dung tích trữ nước hơn 35,34 tỷ mét khối... giúp các địa phương chủ động ngăn mặn, trữ ngọt, mở rộng diện tích đất trồng lúa, phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi. Ngoài những đóng góp cho ngành nông nghiệp, hệ thống thủy lợi còn phục vụ phát triển thủy điện, cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, cải tạo môi trường, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác. Mặc dù quan trọng như vậy nhưng hệ thống hạ tầng thủy lợi đang phải đối đầu với hàng loạt bất cập, không phát huy hết khả năng của công trình. Không ít công trình thủy lợi đang xuống cấp nhanh do không được đầu tư, duy tu bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời. Nhiều công trình bị lấn chiếm, bồi lấp, xói lở làm giảm khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nhiều nơi, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ở các mức độ khác nhau và luôn biến động theo không gian, thời gian do hệ thống thủy lợi không bảo đảm, phụ thuộc vào nguồn thải cũng như việc vận hành của các công trình trên hệ thống.

Theo phân tích của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), mức độ ô nhiễm của hệ thống thủy lợi chịu sự tác động của hai nguồn xả thải là nước thải và rác thải. Kết quả khảo sát đo đạc trên hệ thống công trình thủy lợi cho thấy, tình trạng ô nhiễm chất lượng nước ngày càng tăng qua các năm, nhất là tại các địa phương ven đô. Tại Hà Nội, chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy bị suy giảm và ô nhiễm ở mức báo động. Các tiêu chí ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 4 đến 5 lần. Bằng mắt thường, người ta cũng nhận thấy nước sông màu đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh, hôi thối. Đáng tiếc là chính con người với hoạt động sản xuất, sinh hoạt đã gây ô nhiễm nặng hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, toàn bộ nước thải từ đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, chất thải nông nghiệp, thủy sản đều đổ xuống các dòng sông và hệ thống kênh mương, mật độ giao thông thủy ngày càng cao cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Vài năm gần đây, do hiệu quả của nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú, nhiều vùng đất ven biển đã được xây dựng thành những khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung. Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy hoạch và các giải pháp đồng bộ, hầu hết đều do dân tự phát, xây dựng theo kinh nghiệm nên chưa bảo đảm. Nhiều nơi đã có hiện tượng thủy hải sản nuôi bị bệnh, tôm chết hàng loạt mà nguyên nhân là do môi trường nước bị ô nhiễm. Song điều đáng lo ngại hơn là lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, y tế đổ vào các hệ thống sông ngòi, ao hồ, công trình thủy lợi đã gây bồi lấp, làm co hẹp dòng chảy dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, việc quản lý rác thải xả vào hệ thống thủy lợi vẫn gặp nhiều khó khăn, đến nay vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Duy Hiển, những yếu kém trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng là nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả và năng lực của hệ thống công trình thủy lợi. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, cơ quan chuyên môn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này; đội ngũ cán bộ, công nhân thủy nông ở các cơ sở chưa được đào tạo bài bản, vai trò của người dân chưa được quan tâm đúng mức… Vì vậy, người dân chưa ý thức được việc phải bảo vệ môi trường những công trình thủy lợi mà mình đang được hưởng lợi… Ông Hiển cho biết, để phát huy hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trên cả ba mặt là vận hành công trình, an toàn và quản lý vốn, tài sản.

Nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất và đời sống. Do đó, việc quản lý, vận hành, khai thác cần phải có những giải pháp đồng bộ, triệt để, không thể chỉ đưa ra lời hô hào sáo rỗng. Việc bảo vệ môi trường nước đang rất cần sự vào cuộc thực sự của các bộ, ngành, chính quyền và người dân để vấn đề ô nhiễm môi trường nước không còn là nỗi lo và hiểm họa lâu dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủy lợi thành... thủy hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.