(HNNN) - Ánh hào quang của danh lợi vừa làm cho người ta lóa mắt, vừa làm cho đầu óc mụ mẫm, thiếu tỉnh táo, luôn luôn mê muội. Lão Tử cho rằng, hám danh, cầu lợi là đầu mối của tranh chấp nên không tôn sùng bậc hiền tài khiến người ta không tranh giành danh lợi.
Cơn mưa to trút xuống, nhờ ơn trời, con thuyền vẫn qua được sông và cập bến an toàn. Người đón thuyền bên bờ sông đã được giúp đỡ kịp thời để chuyển tiền vàng đi. Hai đứa trẻ dắt nhau đi trong mưa, muốn nói đến sự nương tựa lẫn nhau trong khó khăn hay thuở hàn vi. Ký tế nghĩa là muôn sự đều thành, sự nghiệp đạt thành tựu, kết quả. Sau những khổ cực gian nan, mọi người được thu hoạch những gì mình đã gieo trồng. Tuy nhiên, sự mãn nguyện sẽ luôn tỷ lệ nghịch với khả năng sáng tạo, cho nên cần có phương pháp vừa ổn định, vừa phát triển sự nghiệp. Ký tế là tượng mặt trăng ở trên mặt trời, ở dưới là hoàng hôn. Tế là vượt qua, Ký tế là đã qua sông, muốn khẳng định mọi việc đã thành công. Thời cổ xưa, hễ mặt trời mọc là người ta làm việc đến hết nắng mới nghỉ, nên thấy hoàng hôn là biết thời điểm kết thúc làm lụng. Nhưng muốn được nghỉ, thì phải hoàn thành được khối lượng công việc, vì thế cần có sự chuyên tâm, chuyên cần thì mới đạt kỹ năng thuần thục.
Cổ học chép, có lần Khổng Tử cùng các học trò đi qua khu rừng, thấy một ông già lưng còng, ngửa cổ dùng cây sào một đầu gắn đất sét để bắt ve trên cành cây cao rất chính xác, hễ dính là được ve. Khổng Tử thán phục hỏi kinh nghiệm, ông lão trả lời: Luyện tập nhiều! Lão tâm an, thân tĩnh như một cây cột. Tay lão cầm sào không run. Tuy trời đất rộng lớn, vạn vật muôn vàn, song lão chỉ chú mục vào bắt ve, không phân tâm sự chú ý. Bởi vậy, đã bắt là được ve. Khổng Tử bèn nói với học trò: Chuyên tâm chú ý, tụ tinh, hội thần chính là điều cụ già muốn nói với thầy trò ta vậy. Ký tế có triệu mục bảng đề danh (xem bảng ghi danh). Màu sắc quẻ này là xanh lơ-đỏ, đưa lại cảm nhận về không khí tưng bừng, náo nhiệt, hoạt động tích cực. Những nguyên tắc cần thực hiện khi đã hoàn thành sự nghiệp là:
1. Đánh giá, nhận định bất kỳ sự việc hiện tượng nào cũng phải nắm rõ nguồn gốc, ý nghĩa. Cần chú ý từ sự kiện nhỏ, nếu không sẽ hỏng việc lớn sau này. Lão Tử nói: Làm việc khó bắt đầu từ chỗ dễ; làm việc lớn bắt đầu từ chỗ nhỏ; việc khó trong đời, khởi từ chỗ dễ; việc lớn trong đời, khởi từ chỗ nhỏ. Sách Lã Thị Xuân Thu chép chuyện nước Sở có một vùng đất sát biên giới nước Ngô gọi là Tị Lương. Con gái hai nước thường hái dâu, nuôi tằm, vui đùa cùng nhau. Một lần trong lúc trêu chọc nhau, cô gái nước Ngô làm cô gái nước Sở bị thương. Người Tị Lương đưa cô gái bị thương sang trách mấy người nước Ngô, người Ngô phản ứng lại bất lịch sự, một người nước Sở xô xát rồi giết chết một người Ngô. Người dân Ngô bèn kéo sang Tị Lương giết sạch cả nhà người Sở ấy. Quan đại phu Tị Lương tức giận dẫn quân tấn công người Ngô, giết sạch già trẻ lớn bé vùng biên ấy. Vua Ngô biết tin, nổi giận dẫn quân chiếm vùng đất Tị Lương của Sở, san thành bình địa rồi rút quân về. Hai nước từ đó liên tục nổ ra chiến tranh liên miên.
2. Không bao giờ nên kê cao gối, ngủ quên trong chiến thắng. Trong lúc hưởng thụ cũng phải tính đến những việc tiếp theo sẽ xảy ra. Nếu không nghĩ xa thì tinh thần sẽ thoái hóa, không còn phản xạ đối phó với sự kiện bất ngờ nữa. Thời Chiến quốc, có lần vua Tấn đem một nửa số nhạc sự, nhạc cụ mà nước Trịnh gửi biếu, tặng cho Ngụy Giáng và nói: Ngươi đã giúp ta hòa hợp với kẻ địch nhằm ổn định các nước Trung Nguyên. Trong 8 năm có đến 9 lần triệu tập các nước chư hầu, quan hệ của ta với các nước cũng hài hòa như âm nhạc vậy. Nay, ta và ngươi cùng hưởng các lễ vật được biếu. Nhưng Ngụy Giáng từ chối và nói: Hòa bình với kẻ địch là hạnh phúc của nước ta. Trong 8 năm, các nước chư hầu đều không có ý xấu cũng là cái uy của bệ hạ và công lao của mọi người. Nhưng thần mong bệ hạ trong khi tận hưởng niềm vui, nên nhớ câu trong sách Thượng Thư: Lúc yên ổn cần nghĩ đến lúc nguy nan. Biết suy nghĩ như vậy, thì ta sẽ có sự chuẩn bị, chuẩn bị rồi sẽ không có mầm họa.
3. Tiếp theo sự thành công bao giờ cũng sinh bệnh phóng túng kiêu ngạo. Bệnh nhẹ, thì chỉ thích làm tùy hứng, nhìn lên chứ không nhìn xuống, coi người như rác. Bệnh nặng hơn, thì ham muốn vô độ, xa hoa hưởng lạc triền miên. Sử chép, Hán Cao Tổ Lưu Bang sau khi lên ngôi hoàng đế, trở nên vô cùng kiêu ngạo, thích gì làm nấy, không cần nghe ý kiến của ai cả. Có lần thấy mệt, Lưu Bang truyền chỉ cấm mọi người vào gặp mình. Qua mấy ngày, công việc triều chính bề bộn, không thể giải quyết được. Tướng quân Phàn Khoái, cũng là một công thần nóng tính, bực mình xông bừa vào cung, cao giọng nói: Nghĩ lại khi ông dấy binh ở huyện Bái, khí khái anh hùng là vậy! Nay thiên hạ đã định, sao ông yếu đuối như vậy. Nếu vin vào mệt mỏi, giam mình trong thâm cung, không cùng các quan trọng thần bàn đại sự quốc gia, thì sao không nghĩ đến chuyện năm xưa nhân Tần Thủy Hoàng bệnh nặng, hoạn quan Triệu Cao làm giả chúc thư, giết hại Thái tử và trung thần, gây rối loạn thiên hạ? Lưu Bang nghe xong, giật mình ngồi dậy, lập tức lên triều.
4. Sau thắng lợi, nội bộ cần phải giữ gìn ổn định, thì mới có thể bảo vệ và phát huy thành quả đã có. Như vậy, cần có những người tham mưu, cố vấn chính trực, nói thẳng nói thật, không vòng vo né tránh, lấy lòng nhau. Sử chép, sau khi lên ngôi, Ngụy Văn Hầu có lần ngồi uống rượu cùng quần thần, tự nhiên cao hứng hỏi ai có đánh giá gì về nhà vua thì cứ nói. Bá quan văn võ trong triều ra sức tâng bốc, tuôn ra những lời mỹ miều khiến Ngụy Hầu rất sung sướng. Nhưng có một đại thần là Nhậm Tọa lại có ý kiến khác: Bệ hạ cũng có những hành vi không hợp đạo. Như việc lúc đầu bệ hạ và mọi người đều cho rằng, Hoàng Thúc có công lớn nhất, xứng đáng cai quản đất Trung Sơn. Nhưng sau đó, vì tình cốt nhục mà bệ hạ lại bổ nhiệm công tử. Nể tình riêng là việc cần hết sức tránh trong chính trị. Ngụy Hầu nghe xong biến sắc mặt, im lặng. Nhậm Tọa thấy vậy bèn cáo lui. Đại thần Trác Hoàng nói thêm: Hiện nay chính là lúc để suy xét xem bệ hạ có là bậc minh quân hay không. Nếu những điều mà Nhậm Tọa nói là thực, thì bệ hạ định làm gì bây giờ? Ngụy Hầu đáp: Xin các vị hãy ra ngoài tìm Nhậm Tọa vào, ta cần phải cảm ơn ông ấy!
5. Việc tốt đến chưa thể nói trước là đã xong, đã hoàn toàn yên tâm, vì bao giờ trong phúc cũng ẩn sẵn mối họa. Trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Chuyện của Hoài Nam Tử kể rằng: Có một ông lão nhà gần biên ải, nuôi con ngựa, tự nhiên nó bỏ sang nước Hung Nô mất. Mọi người chia buồn thì ông bảo, mất ngựa có khi hay. Mấy tháng sau, con ngựa về lại rủ thêm một con ngựa nữa. Mọi người chia vui thì ông bảo, được ngựa có khi thêm họa. Con trai ông lão thấy ngựa hay bèn tập cưỡi, chẳng may ngã què chân. Mọi người lại chia buồn, thì ông lão bảo què chân có khi lại phúc. Năm sau, Hung Nô sang xâm lược, nhà vua bắt lính. Mọi nhà trong làng cứ 10 trai tráng đi ra trận thì chết 9. Con trai ông lão vì què chân nên được ở nhà bình an.
6. Ánh hào quang của danh lợi vừa làm cho người ta lóa mắt, vừa làm cho đầu óc mụ mẫm, thiếu tỉnh táo, luôn luôn mê muội. Lão Tử cho rằng, hám danh, cầu lợi là đầu mối của tranh chấp nên không tôn sùng bậc hiền tài khiến người ta không tranh giành danh lợi. Chuyện Liệt Tử chép, có Dương Chu đi du lịch, đàm đạo về danh với nhà họ Mạnh. Họ Mạnh hỏi: Con người cần danh để làm gì? Dương đáp: Cần danh để phát tài, giàu có. Hỏi: Đã phát tài giàu có rồi, sao phải cần danh? Đáp: Để được cao quý. Hỏi: Đã cao quý rồi sao còn cần danh nữa? Đáp: Để sau khi chết đi, mình được lưu danh muôn đời. Hỏi: Đã chết rồi cần gì đến danh? Đáp: Để cho con cháu đời sau. Hỏi: Danh có thể tạo phúc cho đời sau ư? Đáp: Danh ấy có thể khiến bản thân bị giày vò, tâm trí lo lắng không yên. Hỏi: Người thực sự có danh thì nghèo khó, người cầu danh giả dối thì giàu sang là sao? Đáp: Người chân thực không cầu danh. Người cầu danh không thể chân thực. Danh thật ra chỉ là thứ giả dối. Không biết quan niệm này được tán thành hay phản đối?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.