Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương vụ thế kỷ

Kim Phượng| 07/09/2013 07:46

(HNM) - Đầu tuần này, hãng điện thoại di động lớn nhất nước Mỹ Verizon Communications đã chấp thuận chi 130 tỷ USD mua lại cổ phần tại hãng dịch vụ không dây khổng lồ Vodafone của Anh.



Thực tế, Vodafone đã có kế hoạch rút khỏi thị trường Mỹ từ nhiều tháng qua khi bán 45% cổ phần mà tập đoàn này đang nắm giữ trong Verizon Wireless - nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Mỹ và có mức tăng trưởng cũng như lợi nhuận cao nhất trong hệ thống Verizon.

Theo điều khoản của thỏa thuận vừa được công bố, Verizon sẽ trả 60,2 tỷ USD bằng giá trị chứng khoán và 58,9 tỷ USD tiền mặt cho Vodafone. Năm 1999, Vodafone đã đầu tư 70 tỷ USD vào Verizon, chiếm 45% cổ phần của nhà mạng số 1 của nước Mỹ và 13 năm sau, họ thu về gấp đôi số tiền đã đầu tư. Sau "cú hích" Vodafone, sức mạnh của Verizon không ngừng được mở rộng với hơn 100 triệu khách hàng vào đầu năm 2013. Đây chính là nguyên cớ khiến hai bên bước tới bàn đàm phán để chuyển từ mối quan hệ liên doanh thành một tập đoàn hợp nhất. Nhiều lựa chọn đã được đưa ra, trong đó có việc hợp nhất toàn bộ các công ty của Verizon và Vodafone. Nhưng, Vodafone không muốn kết thúc cuộc "hôn nhân" có lợi với cổ tức hàng tỷ USD thu về mỗi năm. Và, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Âu đã khiến Vodafone củng cố hơn nữa ý muốn duy trì một nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, mọi việc đã khác khi Verizon có Giám đốc điều hành (CEO) mới là Lowell McAdam vào năm 2010 và đẩy "Project River" (Dự án Dòng sông) đến hồi kết vào giữa tháng 7-2013. Sau khi thương vụ thành công, McAdam tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng quyền sở hữu đầy đủ sẽ giúp công ty có cơ hội tăng trưởng trong thị trường". Thương vụ mua lại chính đối tác liên doanh của McAdam được coi là một cuộc thâu tóm "thập kỷ" trong sử dụng thị trường nợ để hỗ trợ tài chính cho thương vụ. Quy mô thương vụ là khổng lồ xét trên bất cứ khía cạnh nào bởi số tiền chi ra gần bằng toàn bộ giá trị thị trường của Verizon. Để bảo đảm Verizon kham nổi thương vụ, các nhà bảo lãnh của Verizon có khả năng sẽ phát hành hơn 40 tỷ USD trái phiếu, đưa Verizon trở thành hãng phát hành trái phiếu lớn nhất vào thời điểm này. Nhiều công ty và các ngân hàng tư vấn hai bờ Đại Tây Dương đang có thêm việc để làm nhằm bảo toàn xếp hạng đầu tư tín dụng của Verizon. Cuộc thâu tóm Vodafone đã đặt cược cho niềm tin của CEO McAdam rằng, nhu cầu điện thoại di động và dịch vụ băng thông rộng sẽ tiếp tục tăng tại Mỹ. Còn với Vodafone, cuộc chơi tạm dừng tại thị trường Mỹ được cho là để tập trung vào một số thị trường ở Châu Âu. Thời gian qua, Vodafone cũng đã thoái vốn khỏi các liên doanh ở Nhật Bản, Ba Lan và Pháp. Thương vụ hàng tỷ USD vừa hoàn tất dự kiến đem lại một khoản tiền khổng lồ đủ giúp hãng tái cơ cấu lại cơ ngơi ở Châu Âu.

Sẽ không có thay đổi lớn với 100 triệu khách hàng của Verizon Wireless, thương vụ vừa thực hiện không gì khác ngoài duy trì vị thế số 1 của hãng trước những đối thủ cạnh tranh mới như SoftBank của Nhật khi mạng không dây đang đứng trước cơ hội phát triển lớn. Báo cáo quý gần nhất của Verizon Communications cho thấy, riêng mảng không dây đã đem lại 20 tỷ USD trong tổng số 30 tỷ USD doanh thu của Verizon chỉ trong chưa đầy 100 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương vụ thế kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.