(HNMO) -
Sáng 25-4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dự phiên giải trình có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06 về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 09 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Theo báo cáo của UBND thành phố, đến tháng 3-2022, toàn thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với HĐND thành phố, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Trên địa bàn thành phố, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.
Việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả...
Xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các Ban HĐND thành phố khảo sát, chuẩn bị nội dung, xây dựng kế hoạch tổ chức phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố. Qua đó, đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết và các Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII.
“Để phiên họp đạt được hiệu quả, chất lượng và đúng quy định của Luật, Thường trực HĐND thành phố đề nghị các đại biểu HĐND thành phố đặt câu hỏi, nêu vấn đề về những nội dung, lĩnh vực cần quan tâm. Khi đặt câu hỏi, cần cụ thể, ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần trao đổi, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Thời gian đặt câu hỏi cho mỗi đại biểu không quá 2 phút”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Đối với người được yêu cầu giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu phải giải trình đúng nội dung, đúng trọng tâm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình và thời gian khắc phục để đại biểu HĐND và cử tri theo dõi, giám sát. Thời gian giải trình tối đa là 3 phút cho một vấn đề. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, thành viên UBND thành phố và các đơn vị liên quan tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được phân công.
Hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản
Theo tổng hợp của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, một trong mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016-2020 là hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố tới cơ sở. Đến năm 2020, bảo đảm 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố.
Tuy nhiên, hiện nay, toàn thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24%. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (mới đạt tỷ lệ 65,5%). Đáng lưu ý, 5/18 huyện, thị xã và 4/12 quận chưa có một trung tâm văn hóa xã, phường nào. Như vậy, 9/30 quận, huyện của thành phố “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã.
Bên cạnh đó, trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị; hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp không bảo đảm điều kiện sinh hoạt…
Thường trực HĐND thành phố cũng thông tin, trong 20 năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa. Tuy nhiên, với nhiều lý do như điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn lực đầu tư…, rất nhiều dự án hiện vẫn đang nằm trên giấy, hoặc chậm tiến độ. Do thiếu các quy định về quản lý, khai thác và sử dụng nhà văn hóa nên câu chuyện nhiều nhà văn hóa được xây sửa khang trang nhưng hoạt động chưa hiệu quả là một thực tế ở Hà Nội.
Làm rõ vấn đề các dự án về văn hóa chậm triển khai
Đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể Hà Nội, các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã, các đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Bắc Từ Liêm), Trần Hợp Dũng (tổ Thanh Trì), Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên), Nguyễn Minh Tuân (tổ Phú Xuyên) đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao làm rõ về tiến độ thực hiện Dự án bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành; nguyên nhân của việc chậm tiến độ này và khi nào thì được đưa vào khai thác? Dự án Công viên Đống Đa có từ năm 1998 nhưng chậm, vì sao? Nhà văn hóa số 8 Hàng Bún (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) có cơ sở xuống cấp trầm trọng; nhà văn hóa tổ dân phố số 3 (phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) cũng chung thực trạng, đề nghị lãnh đạo các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm? Dự án Công viên văn hóa thể thao quận Đống Đa được phê duyệt từ năm 2001, đến nay, hơn 20 năm vẫn chậm triển khai, nguyên nhân?...
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Dự án bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng kinh phí trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều “hội tụ” của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Vì thế, mất rất nhiều thời gian.
Nêu thêm về những nguyên nhân khách quan trong thực hiện dự án này, ông Đỗ Đình Hồng cho biết, UBND thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND thành phố phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao tới nay là Bảo tàng Hà Nội...
Ông Đỗ Đình Hồng bày tỏ: "Khi tiếp cận với công việc này, chúng tôi đã rà soát lại dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp. Ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng, cần sự tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản, Pháp. Thời điểm dịch Covid-19, chúng tôi đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay, cơ bản xong được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31-3. Sau khi thanh tra xong sẽ báo cáo UBND phê duyệt điều chỉnh dự án này".
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, ông Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa - Thể thao. Dự án này trải qua nhiều công đoạn, Sở đã báo cáo UBND thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Ban Quản lý dự án bảo tàng, cố gắng trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn. Dự kiến trong tháng 5-2022, Sở Xây dựng sẽ thẩm định phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND thành phố phê duyệt lại các nội dung có liên quan.
“Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Cố gắng nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường, trong quá trình giải phóng mặt bằng, đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…
Năm 2007, thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa, tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thực hiện. Khó khăn, vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng; chế độ, chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thỏa đáng. Năm 2019, UBND quận đã có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch và Kiến trúc để báo cáo UBND thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, thành phố đã có văn bản giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh bổ sung thông tin, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai. Về bản chất có thể thấy, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất 8,5ha của giai đoạn 1 của Công viên văn hóa Đống Đa, song việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9ha, đây là vướng mắc lớn giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua.
“Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng, tới đây, quận Đống Đa và quận Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở có rà soát về ranh giới mới. Sở Quy hoạch và Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với thành phố về ranh giới mới của dự án”, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề đại biểu hỏi tại địa phương, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh giải trình, qua rà soát, lý do nhà văn hóa Tổ dân phố 3 phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây) xây dựng chậm, do có một hộ dân lấn chiếm đất đai. UBND thị xã đã làm việc với UBND phường Quang Trung và giao đến hết tháng 6-2022, UBND phường phải phân định ranh giới, thu hồi 20m đất để thực hiện xây dựng nhà văn hóa, hoàn thành đưa vào hoạt động.
Giải pháp cho các nhà văn hóa còn thiếu
Tiếp tục nêu thực trạng và đặt câu hỏi các lĩnh vực quan tâm, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ) cho rằng, mặc dù trong những năm qua, HĐND thành phố có những cơ chế đặc thù, các quận cũng hỗ trợ các huyện khó khăn để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, tuy nhiên, đến nay, nhiều mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa hoàn thành, như: Nhà văn hóa thôn, làng mới đạt 97% so với yêu cầu 100% vào năm 2020; 5 đơn vị chưa có nhà văn hóa cấp huyện.
Trong khi đó, thành phố còn 50,5% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn, nhiều nhà văn hóa xuống cấp không chỉ ở các huyện khó khăn, mà còn ở các quận... Các đại biểu đề nghị, UBND thành phố chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và lộ trình để khắc phục, xây dựng một đề án riêng cho lĩnh vực này.
Các đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy (tổ Cầu Giấy), Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hòa), Hoàng Thị Tú (tổ Phúc Thọ) phản ánh, một số thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ, xuống cấp, nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, đề nghị UBND thành phố nêu nguyên nhân chậm triển khai và giải pháp thời gian tới. Ngoài ra, một số khu chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố hiện chưa bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, đại biểu đề nghị thành phố nêu lộ trình giải quyết.
Trả lời các vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện có 129 thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trong đó, xây dựng mới 63 nhà văn hóa thôn với số tiền 130 tỷ đồng, nâng cấp 22 nhà văn hóa thôn với số tiền 10 tỷ đồng. Mới đây, huyện đã phê duyệt danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho trên 10.000m2 để xây dựng nhà văn hóa với nguồn lực 80 tỷ đồng. Hiện nay, có 3 nhà văn hóa do tách thôn nên còn thiếu, huyện sẽ phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi huyện từ tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện, hạ tầng trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà văn hóa rất thiếu, xuống cấp. Nhiều năm qua, huyện Mê Linh cũng đã quan tâm chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa của huyện, thôn, tổ dân phố, đến nay, có 84/95 thôn, nhà văn hóa được xây dựng, củng cố, thời gian tới sẽ bố trí xây dựng, hoàn thiện 15 nhà văn hóa còn lại theo tiêu chuẩn.
Về xây dựng các nhà văn hóa cấp xã, huyện, có 16 nhà văn hóa do liên quan điều chỉnh phân khu, nên chậm. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2024, huyện sẽ đầu tư 12 nhà văn hóa cấp xã với khoảng 15 tỷ đồng/nhà văn hóa; các nhà văn hóa còn lại sẽ được xây dựng tiếp trong năm 2025.
Giải trình lĩnh vực của ngành phụ trách về quản lý chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, toàn thành phố có 187 nhà chung cư tái định cư, giao 3 đơn vị quản lý nhà quản lý. Thời gian qua, Sở và các quận, huyện rà soát, có 81 nhà có thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng (70 tòa nhà bố trí và bàn giao Ban quản trị sử dụng, 11 tòa nhà chưa thành lập Ban quản trị), 94 tòa nhà không có diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng.
Sở và các đơn vị quản lý nhà đã rà soát bố trí, chuyển đổi công năng kinh doanh dịch vụ sang sử dụng vào mục đích sinh hoạt cộng đồng với 73 tòa nhà đã hoàn thành; 8 tòa nhà đang được rà soát và thực hiện chuyển đổi, chậm nhất trong quý IV-2022 báo cáo UBND thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố 4 giải pháp cho công tác này. Trong đó, với tòa nhà chưa có Ban quản trị, sẽ đề nghị các quận khẩn trương tổ chức hội nghị, tăng cường kiểm tra, xử lý diện tích sử dụng không đúng quy định; 8 tòa nhà chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ trình thành phố cho phép chuyển đổi công năng; 19 tòa nhà chuyển đổi công năng sẽ được khẩn trương sửa chữa, bàn giao địa phương khai thác, hoàn thành trong tháng 1-2023; 13 tòa nhà không có diện tích chuyển đổi công năng, đề nghị các quận rà soát bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa phường gần nhất.
Tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong suốt thời gian qua, công tác đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo, đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó, 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án.
Tuy được quan tâm, nhưng còn một số đơn vị thiếu thiết chế văn hóa; công tác quản lý, sử dụng các thiết chế còn một số bất cập. Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng, nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành thành phố cũng chưa tích cực, dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, kinh phí đầu tư từ thành phố đến cơ sở cũng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi việc thu hút nguồn lực xã hội, nhất là ở các huyện còn khó khăn...
Để hoàn thành các mục tiêu theo yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hoạch chung của thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng tập trung ban hành các cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, thể thao, phù hợp với thực tế. Chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa; ban hành quy chế quản lý, khai thác và hoạt động của các nhà văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn...
Giải pháp nào cho các dự án văn hóa bị lấn chiếm?
Tiếp tục đề cập các vấn đề cử tri quan tâm, các đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ Mỹ Đức), Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), Lâm Thị Quỳnh Dao (tổ Nam Từ Liêm), Nguyễn Nguyên Quân (tổ Sơn Tây), Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) nêu tình trạng vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã xuống cấp, lỏng lẻo trong quản lý, vậy nguyên nhân và hướng xử lý thời gian tới? Một số dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước như dự án Công viên Hello Kitty nằm trên khu "đất vàng" hồ Tây, dự án Công viên Kim Quy (huyện Đông Anh) chậm triển khai, lãng phí rất lớn về đất đai, vì sao? Công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được quận cải tạo nhưng đến nay công viên không hoạt động, nhiều hạng mục bị lấn chiếm là do đâu? Quận Nam Từ Liêm là quận duy nhất tại Hà Nội có quy hoạch Trung tâm văn hóa thông tin quận tại phường Xuân Phương, nhưng chưa được đầu tư, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng, nhưng sử dụng sai mục đích, đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp?
Về công tác quản lý vườn hoa Ngọc Lâm, lãnh đạo UBND quận Long Biên cho hay, năm 2016, theo phân cấp dự án này được thành phố giao Sở Xây dựng quản lý, Công ty Công viên cây xanh duy tu, duy trì. Sau khi có điều chỉnh phân cấp, UBND quận tiếp nhận từ Sở Xây dựng và các đơn vị từ tháng 1-2022. Ngay sau đó, quận đã đưa dự án vào cải tạo chỉnh trang để tháng 6-2022, trình HĐND quận. Dự kiến, dự án sẽ được quận cải tạo lại toàn bộ vào quý I-2023 để phục vụ nhân dân. UBND quận cũng đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quận cùng UBND phường Ngọc Lâm xử lý các vấn đề tồn tại xong trước ngày 30-4.
Về dự án Công viên Bắc Linh Đàm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, công viên có diện tích hơn 48.000 m2. Tháng 1-2022, quận nhận bàn giao tiếp nhận hơn 18.000 m2 từ Sở Xây dựng; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý diện tích còn lại, trong đó có nhiều công trình dịch vụ.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nhấn mạnh, Công viên Bắc Linh Đàm ở vị trí có 2 phường dân số đông, việc quản lý cũng chưa rốt ráo. Trong sáng mai (26-4), quận sẽ làm việc với Tổng công ty HUD về đầu tư cải tạo bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp, đồng thời giao các phường ra quân xử lý vi phạm.
Về dự án Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Nam Từ Liêm tại phường Xuân Phương, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường giải thích, các thiết chế văn hóa cấp phường và tổ dân phố trên địa bàn quận đã hoàn thành. Hiện nay, trên địa bàn quận có 2 thiết chế văn hóa của Trung ương nên quận kiến nghị xem xét hiệu quả đầu tư thiết chế văn hóa cấp quận. Đối với diện tích sử dụng sai mục đích, quận đã cho tạm dừng hoạt động sân bóng, trong 10 ngày tới sẽ xử lý triệt để chỗ rửa xe tại đây.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, dự án Công viên Kim Quy về quy hoạch đã được xây dựng xong, hiện chủ yếu vướng mắc về việc giao chủ đầu tư và giải phóng mặt bằng. Công viên Hello Kitty cũng đã được duyệt quy hoạch, hiện chủ yếu vướng mắc về việc giao chủ đầu tư.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự án Công viên Kim Quy đã có chủ trương đầu tư, việc bàn giao mặt bằng đã đạt 97%, chủ đầu tư đang tổ chức thực hiện các nội dung triển khai theo quy hoạch; phần còn lại với trách nhiệm của mình, Sở sẽ tham mưu thành phố và đôn đốc các đơn vị thực hiện.
Chấn chỉnh ngay những tồn tại
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh tiếp thu toàn bộ các vấn đề đại biểu nêu và khẳng định, ngay sau phiên giải trình, UBND thành phố sẽ yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý, kịp thời giải quyết thỏa đáng những vấn đề được các đại biểu HĐND thành phố nêu.
Về dự án Công viên Kim Quy, Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận trách nhiệm UBND thành phố chậm trễ vì có lịch sử liên quan, nhưng thời gian qua cơ bản các vướng mắc cũng đã được tháo gỡ.
Với dự án Công viên Văn hóa thể thao Đống Đa, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan phải thực hiện dứt điểm điều chỉnh quy hoạch xong trong 2 tháng nữa.
Về việc lấn chiếm đất ở khu vực Thành Công cũ (quận Đống Đa), Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện nay, thành phố đã đã giải tỏa được 132 hộ dân với 9.000 m2 tại khu vực ao Thất Thợ và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi rác Thành Công. “Chủ tịch UBND quận phải quán xuyến chặt chẽ, không để tái lấn chiếm; thực hiện đồng bộ với giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ theo điều chỉnh quy hoạch”, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng nêu rõ 6 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cho các vấn đề trên. Trong đó, thành phố và các đơn vị phải rà soát, cập nhật quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung để xử lý dứt điểm khâu quy hoạch sớm nhất; quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao; dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa; xây dựng các chính sách đặc thù xung quanh là con người; sẽ bố trí ngân sách trong kế hoạch hằng năm để đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ); đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư.
Khuyến khích xã hội hóa cho các thiết chế văn hóa, thể thao
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với sự nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, phiên giải trình đã đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đã có 17 lượt đại biểu đặt câu hỏi, nêu yêu cầu giải trình; lãnh đạo UBND thành phố và 6 lãnh đạo sở, ban, ngành; 9 chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Các đồng chí tham gia giải trình cơ bản nắm chắc nội dung, giải trình cụ thể, đúng trọng tâm, báo cáo, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục. Nhiều đồng chí cũng đã nhận trách nhiệm và cam kết tiến độ cụ thể để hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số đồng chí trả lời còn dài, chưa nhận rõ trách nhiệm của mình, thậm chí có đồng chí còn chuyển, nêu những khó khăn của đơn vị khác.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, dù có cố gắng, song hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; nhiều thiết chế chưa đạt chuẩn, xuống cấp, trang thiết bị chưa đồng bộ; một số dự án công viên, khu vui chơi giải trí, bảo tàng, trung tâm văn hóa còn chậm tiến độ. Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra trong phiên giải trình hôm nay, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp hết sức khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình.
Trong đó, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn thành phố; tập trung ưu tiên bổ sung, bố trí nguồn vốn, quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao bảo đảm tiêu chuẩn; quan tâm các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp. Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao phải đi trước một bước, định hình cho tương lai. Không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa sang mục đích khác. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ưu tiên bố trí xây dựng các công trình văn hóa, thể thao.
Cùng với đó, UBND thành phố tăng cường đầu tư nguồn vốn ngân sách; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hóa thể thao Thanh niên, các công viên, các khu vui chơi giải trí và các công trình vốn ngoài ngân sách khác. Chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn quy chế quản lý, khai thác, tổ chức hoạt động của các Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.
Đối với Sở Văn hóa và Thể thao và các sở, ngành khác liên quan, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức hoạt động và các cơ chế để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp của thành phố đảm bảo hiệu quả, thống nhất. Chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao của thành phố và cơ sở.
Các quận, huyện, thị xã tập trung bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; đáp ứng nhu cầu trước mắt và trong dài hạn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, đảm bảo kinh phí thường xuyên để khai thác đồng bộ, hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao của địa phương. Rà soát công tác quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động; nâng cao hiệu quả sử dụng, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định, nhất là các trường hợp đã được chỉ ra trong phim phóng sự phiên giải trình của HĐND thành phố. Tiếp tục kêu gọi, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tại cơ sở nhằm phát triển và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
“Sau phiên họp giải trình hôm nay, Thường trực HĐND thành phố sẽ ban hành thông báo kết luận làm cơ sở để tổ chức triển khai và giám sát kết quả thực hiện. UBND thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, tinh thần là không để chậm, muộn lời hứa, cam kết với cử tri và nhân dân Thủ đô", đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.