Sáng 16-4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các bộ trưởng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh.
Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn đều ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua và tới đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới suy giảm; các nước thực hiện chính sách thắt chặt; thị trường co hẹp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá nguyên nhiên liệu tăng. Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam… Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cuộc họp cũng rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành Trung ương; nêu các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.
Báo cáo của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471 nghìn tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD 9 (cùng đứng đầu cả nước).
Tuy nhiên, quý I năm 2023, tình hình phát triển kinh tế của thành phố gặp khó khăn. GRDP trên địa bàn ước tăng 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7%; doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm…
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện...
Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 2 đoàn công tác làm việc với lãnh đạo thành phố; có 25 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành và UBND thành phố thực hiện. Đến nay, có 21/25 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, có 4/25 gần hoàn thành.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá cho thành phố; chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng và quan tâm đầu tư trang, thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ. Thành phố cũng đề nghị, Thủ tướng chỉ đạo, xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các bộ, ngành trên địa bàn; tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản…
HNMO tiếp tục cập nhật thông tin về buổi làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.