Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thượng tôn pháp luật!

Đỗ Quỳnh Chi| 15/09/2022 06:18

(HNM) - Vài năm trở lại đây, dọc các tuyến phố: Phùng Hưng, Lê Duẩn, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thái Học, Khâm Thiên (thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng), nhiều người dân tận dụng tuyến đường sắt ngang qua để trang trí và mở các quán cà phê, còn gọi là “cà phê đường tàu”. Do tàu hỏa chạy trong nội đô với tốc độ thấp nên nhiều người mạo hiểm trải nghiệm cảm giác ngồi uống cà phê giữa đường sắt, khi thấy tàu đến thì… chạy. Nơi đây bỗng nhiên trở thành điểm hút khách trong và ngoài nước.

Sau một thời gian lắng xuống do dịch Covid-19 cũng như sự vào cuộc xử lý của chính quyền sở tại thì những ngày gần đây, tình trạng hàng quán tái diễn cảnh lộn xộn, vi phạm hành lang bảo vệ giao thông đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tính mạng người dân. Tiếc rằng, trên các trang thông tin xã hội, thậm chí có cả những bài viết trên báo chí chính thống, nêu quan điểm cho rằng không nên dẹp bỏ mô hình này, rằng đây là sự “sáng tạo” mới lạ, góp phần thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế.

Chưa rõ mức độ đóng góp của các cửa hàng ở đây đem lại nguồn thu thế nào cho ngân sách, nhưng với những người có kiến thức pháp luật cơ bản cũng đủ hiểu hoạt động “cà phê đường tàu” là tự phát, không những vi phạm an toàn giao thông, trật tự xã hội, mà cũng chưa có cơ sở để được coi là phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế.

Việc có ý kiến nào đó của du khách nước ngoài muốn “gìn giữ” hay “phát triển” thực chất chỉ là suy nghĩ cá nhân, hoặc cảm nhận mang tính hiếu kỳ trước hiện tượng lạ, tạo ra sự thú vị nhất thời. Trên thực tế thì mô hình “cà phê đường tàu” chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận rất nhỏ cư dân trong cộng đồng, nhưng tiềm ẩn hệ lụy khó lường, nếu không ngăn chặn sẽ tạo ra tiền lệ tiêu cực.

Trước thực tế trên, ngay từ tháng 10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tất cả các quận, huyện có tuyến đường sắt đi qua phải xử lý dứt điểm việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, cần ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quanh khu vực này để quay phim, chụp ảnh, uống cà phê. Đồng thời, 3 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng phải quản lý chặt chẽ việc giao đất cho các tổ chức và cá nhân dọc hành lang đường sắt. Nếu xảy ra vi phạm, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm…

Sau khi có chỉ đạo trên, một thời gian, chính quyền cơ sở, công an các phường đã cử lực lượng chốt trực, giải tán các quán cà phê đường tàu thì tình hình đã yên ổn. Tuy nhiên, thực trạng tái diễn vi phạm thời gian gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng chính quyền các quận, phường liên quan đã “quên” nhiệm vụ (?!).

Do đó, nhiệm vụ trước mắt là chính quyền cơ sở cần vào cuộc xử lý nghiêm, giải tỏa dứt điểm những nơi vi phạm, không để tái diễn tình trạng buôn bán hàng rong trong lòng đường sắt, mở quán cà phê tiếp giáp dọc đường sắt để bảo đảm an toàn.

Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt người dân sống dọc hai bên tuyến đường, dọc đường ngang dân sinh và lối đi tự mở.

Chúng ta không thể để giữa lòng Thủ đô nếu có tai nạn xảy ra mới đi giải quyết hậu quả. Do đó, đã là vi phạm thì đương nhiên không thể ủng hộ. Thượng tôn pháp luật là điều bắt buộc phải tuân thủ để giữ gìn kỷ cương, trong đó xử lý nghiêm các quán “cà phê đường tàu” cũng không là ngoại lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thượng tôn pháp luật!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.