Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thường Tín: Khai thác lợi thế làng nghề

Nguyễn Mai| 30/09/2011 07:04

(HNM) - Trong số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hai tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân được xem là khó thực hiện đối với các xã thuần nông.


100% làng có nghề

Có lẽ không nhiều địa phương có lợi thế làng nghề (LN) phát triển như ở huyện Thường Tín. Đến nay, toàn huyện có 126/126 làng có nghề (tỷ lệ 100%) với gần 1,7 vạn gia đình tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, 44 làng đã đạt tiêu chí được công nhận LN của thành phố. Bức tranh LN huyện Thường Tín đa dạng, với các nghề nổi tiếng như: thêu Quất Động, mây, tre đan Ninh Sở, sơn mài Hạ Thái, điêu khắc Hiền Giang... có tuổi đời hàng trăm năm. Bên cạnh đó là không ít những làng nghề mới đã tạo được uy tín nhất định trên thị trường như đồ gỗ Vạn Điểm, may chăn ga ở Tiền Phong...


Nghề điêu khắc đá ở thôn Hiền Giang, xã Nhân Hiền.

Tại xã Ninh Sở, nghề mây, giang đan truyền thống phát triển đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn. Ông Phạm Văn Hùng, thôn Xâm Dương cho biết: "Mặc dù LN có lúc thăng, lúc trầm; ngày công lao động từ nghề giảm so với cách đây ít năm nhưng nó vẫn giúp cho một lượng lớn lao động trung niên lúc nông nhàn hoặc những người sức kém, không làm được việc nặng nhọc có việc làm". Ông Lê Hồng Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở cho biết, nghề mây, giang đan của xã hiện là "cần câu cơm", tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1.200 hộ dân (chiếm khoảng 40% số hộ) với 16 cơ sở thu gom hàng. Ở xã Vạn Điểm, người dân lại năng động phát triển nghề mộc. Hiện cả xã có 80% hộ làm nghề với hàng chục doanh nghiệp chế biến lâm sản và từ 500 đến 600 tổ hợp sản xuất là các hộ gia đình. Về Vạn Điểm bây giờ sẽ thấy làng quê ngày một thay da đổi thịt, những ngôi nhà khang trang xuất hiện ngày càng nhiều, không ít nông dân đã sắm được ô tô, xe máy đắt tiền từ thu nhập nghề. Chẳng những vậy, LN còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động ở các địa phương khác với mức thu nhập trung bình 2-3 triệu đồng/người/tháng. Bà Chu Thị Minh Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua các LN đã có đóng góp lớn trong giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, ổn định chính trị của địa phương. Trong khi nhiều địa phương xây dựng NTM phải "đau đầu" với tiêu chí giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp xuống dưới 25%, nâng thu nhập lên cao gấp 1,5 lần so với xã chưa xây dựng NTM… thì bảo tồn và phát triển LN ở huyện Thường Tín là giải pháp hợp lý.

Tháo gỡ khó khăn cho LN

Triển khai chương trình xây dựng NTM, ngoài xã Nhị Khê được chọn làm điểm thực hiện đến năm 2012, trong giai đoạn 2010 - 2015, huyện Thường Tín phấn đấu có 13 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là chỉ đạo các địa phương hoàn chỉnh công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển KT-XH. Hiện nay, ba xã Vạn Điểm, Duyên Thái và Liên Phương đang triển khai lập đề án... Mặc dù ở các xã xây dựng NTM của huyện, xã nào cũng có nghề, nhưng gần đây LN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong tổng số 44 làng được công nhận LN của huyện thì có tới 9 LN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là LN truyền thống như thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình với nghề chế biến xương, sừng, da, xả thải trực tiếp từ các xưởng chế biến ra môi trường. Một số LN khác không bị ảnh hưởng bởi môi trường, thì lại gặp khó về vốn, thị trường tiêu thụ nên sản xuất đã và đang có chiều hướng thu hẹp, như điêu khắc ở Hiền Giang (Nhân Hiền), mây, giang đan Ninh Sở… Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các LN, huyện đã xây dựng 4 cụm công nghiệp LN tập trung bảo đảm các điều kiện về môi trường tại Duyên Thái (sơn mài), Tiền Phong (chăn ga gối đệm), Ninh Sở (mây, tre đan), Vạn Điểm (mộc)... Đã có hơn 500 hộ đến các cụm công nghiệp LN tập trung này. Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp LN khác cũng đang được đầu tư quy hoạch như LN Văn Tự (cơ khí mộc), Nhị Khê (bánh dày, tiện) và một số LN khác... Thời gian tới, Thường Tín sẽ xây dựng các điểm xử lý chất thải tập trung tại các LN có mức độ ô nhiễm cao, từ đó xây dựng các LN thân thiện với môi trường. Đặc biệt, huyện đã giúp đỡ các LN thành lập các hiệp hội LN quy mô huyện làm cầu nối liên kết người sản xuất để tương trợ nhau, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, truyền nghề. Bên cạnh nguồn kinh phí khuyến công của TP, mỗi năm huyện đều cấp 500-600 triệu đồng cho hoạt động dạy nghề, nâng cao tay nghề cho lao động, giúp các LN vượt qua khó khăn để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín: Khai thác lợi thế làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.