Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc: Nỗ lực mang hơi thở mới cho âm nhạc dân tộc

Bảo Châu| 07/08/2022 05:50

(HNMCT) - Tâm huyết với âm nhạc truyền thống, Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Xuân Bắc - Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, luôn quan niệm, âm nhạc dân tộc mang đầy đủ tinh thần, cốt cách của người Việt, trải qua hàng nghìn năm nhưng không hề cũ. Nhạc dân tộc chỉ cũ khi người chơi, người sáng tác âm nhạc không biết làm mới nó.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc (bên trái) biểu diễn bên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mátxcơva.

1. Gặp NSND Nguyễn Xuân Bắc khi anh vừa giành giải Nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học quốc tế “Nhà nghiên cứu khoa học giỏi nhất năm 2022” lần thứ 34. Trong niềm vui mừng, anh chia sẻ cùng tôi câu chuyện liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như trong sáng tác, biểu diễn, dàn dựng. Anh “bật mí”, bí quyết để gặt hái “trái ngọt” là cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, là tinh thần vượt khó, vượt khổ của Bộ đội Cụ Hồ.

Trong lần gặp ấy, anh thường nhắc về những năm tháng tuổi thơ được ngồi xem các cô, chú diễn viên Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An) biểu diễn. Cơ duyên có được là do anh có bố công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, hơn nữa nhà của anh lại ở trong khu tập thể của nhà trường. Chính vì được lớn lên trong môi trường hết sức thuận lợi này mà năm lên 8 tuổi, anh đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc dân tộc và được thầy Võ Xuân Thành (nguyên Trưởng khoa Văn hóa quần chúng, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An) phát hiện và truyền dạy cho môn đàn nguyệt. Sau đó, để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, anh tiếp tục theo học đàn nguyệt dưới sự giảng dạy của thầy Đỗ Văn Đễ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Khải tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Mong muốn phát triển âm nhạc một cách toàn diện, anh còn theo học trống dân tộc từ NSƯT Hồng Thái và học sáng tác từ nhạc sĩ Đàm Linh. Sáng tác đầu tay của anh chính là tác phẩm tốt nghiệp đại học (năm 1999), giao hưởng thơ “Ngày về”, và chỉ 2 năm sau anh đã có tác phẩm “Tiếng vọng” được giải Nhì (không có giải Nhất) Giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

2. Nghệ sĩ Xuân Bắc quan niệm, trong thời đại hiện nay, người nhạc sĩ phải chọn ra cái gì phù hợp với cấu trúc và ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam kết hợp với âm nhạc dân tộc để cho ra tác phẩm hấp dẫn. Đặc biệt, người nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng cần chú tâm khai thác nhạc cụ dân tộc thiểu số, sự độc đáo của các vùng miền để đưa vào biểu diễn, sáng tác. Nếu làm được như vậy thì tác phẩm sẽ có tính đột phá và đó cũng là cách để nâng tầm nghệ thuật truyền thống. Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Hải Nam (Đội trưởng Đội nhạc, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng) cho rằng: “NSND Nguyễn Xuân Bắc đã kết hợp và đưa những mảng miếng của âm nhạc bác học vào sáng tác âm nhạc dân gian để tạo sự mới mẻ, mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt, tinh hoa của âm nhạc truyền thống. Trong cách chơi nhạc cụ (một số loại đàn và bộ gõ) cũng vậy, anh có cách diễn tấu phá cách”.

Sự sáng tạo của anh trong sáng tác được thể hiện trong một số tác phẩm tiêu biểu. Như trong tác phẩm “Tiếng vọng”, anh đưa vào tác phẩm âm hưởng hoang sơ, cái thuở như trong tích “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và cả âm hưởng của người Việt trong công cuộc giữ nước hàng nghìn năm nay để thế hệ hôm nay hiểu hơn, yêu hơn và tự hào hơn về truyền thống. Hay trong ca khúc “Biển, anh và nỗi nhớ” (Giải C - Giải thưởng tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm giai đoạn 2014 - 2019 của Bộ Quốc phòng), ngoài khai thác tình yêu của người lính với hậu phương, anh còn khai thác hình ảnh của biển, sự giận dữ, nguy hiểm, tiếng gào thét của biển để làm dày dặn thêm tình cảm của người lính biển với người yêu nơi hậu phương.

3. Gần 30 năm gắn bó với khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, nghệ sĩ Xuân Bắc đã góp công sức cùng các thế hệ giảng viên nhà trường đào tạo nhiều nghệ sĩ là con em người dân tộc thiểu số cho các đoàn nghệ thuật trên cả nước. Theo anh, các giảng viên tại khoa đang áp dụng phương pháp đào tạo rất đặc biệt. “Chúng tôi tới tận bản làng để tìm hiểu, phát hiện người có năng khiếu nghệ thuật rồi thuyết phục bố mẹ cho các em đi học. Chúng tôi lặn lộn tìm hiểu đặc điểm văn hóa, bản sắc trong dân tộc của các em để bồi đắp cho các em niềm tự hào về truyền thống của dân tộc mình trước tiên. Hơn nữa, giáo án của chúng tôi cũng không có sẵn, tức là khi có sinh viên của dân tộc nào thì chúng tôi đến từng bản làng của các em để sưu tầm, khai thác âm nhạc rồi biên soạn thành chương trình giảng dạy riêng” - anh bộc bạch.

Tham dự Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tổ chức tại Liên bang Nga, nghệ sĩ Xuân Bắc đã biểu diễn 3 tiết mục, đó là chơi đàn t’rưng bản mashup (hòa trộn) nhạc Nga “Kachiusa - Tình ca du mục”, đàn đá “Âm vang đại ngàn” và độc tấu trống “Hồn quê”. Đặc biệt, trong dịp đó, anh vinh dự được thể hiện đàn t’rưng tiết mục “Kachiusa - Tình ca du mục” dưới chân Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Mátxcơva. “Lần thứ hai đặt chân đến thủ đô Mátxcơva nhưng là lần đầu tiên vinh dự được biểu diễn dưới chân tượng đài Người, tôi đã biểu diễn bằng tất cả tình cảm hiến dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh chất chứa bấy lâu nay. Biểu diễn trong không gian đặc biệt này cho tôi thêm niềm tin và sự tự hào để tiếp tục lan tỏa tinh thần, bản sắc của người lính Cụ Hồ” - NSND Xuân Bắc trải lòng.

Là một nghệ sĩ, chiến sĩ trên “mặt trận” văn hóa, nghệ thuật, NSND Xuân Bắc cho rằng, bản thân phải không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2019, anh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ “Đàn Broh của người Êđê” chuyên ngành Văn hóa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Cũng năm đó, anh được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND. Niềm vui lại được nhân lên khi cuối năm này anh được Bộ Quốc phòng ghi nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Liên tiếp thành công, anh quan niệm dấn thân với âm nhạc dân tộc là bước vào biển trời kiến thức mênh mông, điều đó đòi hỏi mỗi người cần đào sâu suy nghĩ, không ngừng sáng tạo để góp phần đưa âm nhạc dân tộc phát triển lên một tầm cao mới.

Thượng tá, Tiến sĩ, NSND Nguyễn Xuân Bắc, sinh năm 1975, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngoài biểu diễn, giảng dạy, sáng tác, anh đã dàn dựng nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật cho các đoàn nghệ thuật và giành được nhiều giải thưởng: “Hào khí Bạch Đằng” (Đoàn Văn công Quân khu 3 - Huy chương Bạc hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2008); “Hào khí non sông” (Đoàn nghệ thuật Sao Biển - Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009); “Khí phách dời đô” (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội - Huy chương Vàng Hội diễn các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, năm 2010)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thượng tá, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc: Nỗ lực mang hơi thở mới cho âm nhạc dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.