Cuối tuần trời mưa rả rích, gợi chút máu lai rai, nhân lúc rảnh rỗi, anh bạn Lâm khơi mào: “Đi động tửu không?”. Theo lời Lâm thì đó là một thế giới “lung linh”, một không gian mờ ảo đầy chất thơ, không chút “bụi trần”… giữa chốn phồn hoa đô thị.
Từ triết lý Nho gia Động tửu, mới nghe đã giật mình sởn gai ốc. Lâm trấn an: Chẳng nhẽ cứ “động” là tệ nạn cả sao? Đó chỉ là biệt danh mà giới sành điệu đặt cho các quán Rượu Dân Tộc (RDT) thôi. Rượu thường thì thiếu gì, 2.000 đồng “say cả chấy”! Đây là đi “thưởng rượu” theo lối “các cụ” cơ, để “uống” cái tinh hoa của đất trời, cái linh hồn thiên nhiên, cái tích tụ của ngũ hành âm dương… Lâm triết lý một thôi một hồi. Cứ theo quan điểm của gã thì: “Uống rượu mà chỉ để rót ra những cái chén vại, ngửa cổ dốc vào miệng rồi khà một tiếng thì rõ là không có văn hóa về... uống”. Cách thưởng rượu của Lâm cũng khác người lắm. Với bia, gã có thể “đi” đôi chục vại nhưng cứ hễ vào “động” thì hắn không bao giờ “làm” quá một nậm (khoảng 300 ml). Gã giải thích: “Cần phân biệt được kiểu say của người nho nhã, quân tử với kiểu say không còn lý trí dẫn đến nói nhảm của kẻ bợm rượu”. Và lần này, tôi được “mục sở thị” một đệ tử lưu linh chính hiệu uống rượu. Từ tư thế ngồi chân xếp bằng trên chiếc sập gụ đến cách nâng chén hạt mít bằng hai tay trịnh trọng, tao nhã, khẽ nhấp một ngụm nhỏ rồi hồi hít hà, gật gù… Đến triết lý kinh doanh Gặp ông chủ quán RDT có cái tên khá ấn tượng: Huynh đệ Quán, một trong những “tiên tửu gia” có tiếng ở đất Hà thành, ông tâm sự: “Tôi mở quán rượu này nhằm hội ngộ anh em lâu ngày gặp mặt nhau; tri âm tri kỷ mượn chén rượu để đàm đạo. Trong một bài phú của Châu Dương thời Hán chẳng có câu: “Dân thường uống rượu cho vui/ Quân tử dùng để làm lễ” đó sao?”. Quan sát không gian Huynh đệ Quán, tôi phần nào ngẫm ra cái triết lý sống (có lẽ là cả triết lý kinh doanh) của ông chủ có lối tiếp khách nho nhã đầy chất nghệ sỹ này. Toàn bộ căn nhà được thiết kế trang trí bằng những chất liệu thô mộc, quê mùa đến... sù sì, khiến tửu khách có cảm giác như đang lạc vào một thảo đường hoang dã chỉ có trong những bộ phim kiếm hiệp. Ông cho biết: “Những người đến Huynh đệ Quán không chỉ đơn thuần để uống rượu, đàm đạo, kết giao tình bằng hữu mà còn muốn được tìm hiểu thêm về thứ văn hóa ẩm thực, về phong cách thưởng thức thứ đồ uống kỳ diệu có tự ngàn xưa này. Có lẽ, với cách nghĩ như vậy nên tiêu chí phục vụ tửu khách của ông cũng có nét khá lạ lùng. Đó là việc đề ra quy định mở cửa không quá 11h đêm, mỗi tửu khách chỉ được dùng tối đa một nậm. Dù khách có tửu lượng cao đến đâu cũng “xin thông cảm, hẹn tri âm tái ngộ lần sau”. Rượu dân tộc - Trăm hoa đua nở Vài năm trở lại đây, các quán RDT đua nhau nở rộ với những cái tên khá mỹ miều, kích thích trí tò mò của tửu khách như: Quán Quê Mình, Tiêu Diêu Quán, Mỹ Nữ Tửu Điếm, Quỳnh Tương Điếm,... Để cạnh tranh, mỗi quán đều chọn cho mình một gu thẩm mỹ riêng. Ở Quán Quê Mình (Phùng Hưng), ông chủ đã không tiếc công sức và tiền của, “thửa” hẳn một bộ nậm, chén rất ấn tượng. Quán Hoàng Hoa (Khâm Thiên) có thứ rượu “danh bất hư truyền” là Hoàng hoa, Bạch cúc mang đậm hương vị thiên nhiên. Ở Chung Tửu Quán (Lê Trọng Tấn) lại chuyên về các loại rượu dân gian như: Bầu đá, Mẫu sơn, San lùng... Chưa uống mà tôi đã như say khi tiếp xúc với cơ man nào là các nhãn mác RDT mà các tay sành điệu đã phân thành “dòng” hẳn hoi: Dòng “tiên tửu” có Lưu linh tửu, Bắc hà ngư tất tửu, Tỏa sơn đường dương tửu... Dòng quý tửu có Lão Ái tửu, Giá mỗi loại rượu trong các tửu quán cũng vô cùng. Loại bình dân cũng từ 20.000 - 30.000 đồng/nậm, loại cao quý hơn thì tiền trăm, tiền triệu cũng có. Lâm kể: “Ở một vài động, tửu khách có thể được phục vụ cả loại Quý tửu ngâm cao hổ cốt hay cao sang hơn nữa thì có Bào thai hài nhi ngâm. Loại này nghe đâu được nhập từ nước ngoài về”. Không rõ thực hư thế nào nhưng mới nghe thôi tôi đã thấy sởn gai ốc. Đồ đưa cay là một phần không thể thiếu trong một mâm thưởng tửu. Ông chủ của một tửu quán tuyên bố rằng: Rượu không mồi như nồi không vung! Thật vậy, để thu hút khách hàng, các chủ quán cũng nghĩ ra đủ loại món nhậu, món nào cũng thuộc hàng “quái chiêu”. ỞHuynh Đệ Quán có món Tiết canh chim, lòng mề chim xào; Quê Mình, Hoàng Hoa lại có nhộng ong đất chiên. Các quán khác có chả chim, ngẩu pín dê trần, chân ếch nướng, nhái chiên,... Việc đưa “văn hóa uống” đặc sắc của cha ông vào cuộc sống hiện đại, giới thiệu với du khách nước ngoài để nâng cách thưởng rượu lên một tầm cao mới, thiết nghĩ cũng là cái đáng quý, đáng trân trọng. Tới các quán RDT, người ta có cảm giác như được trở về với quê hương, ngồi với những người bạn tâm giao thuở xưa mà nhỏ to tâm sự, đàn hát, ngâm thơ, đàm đạo chuyện đời. Rõ ràng đây là nơi thư giãn lịch sự, văn minh cho các bậc cao niên từng trải hay các bậc tửu gia mang tâm hồn nghệ sĩ. Song đây lại cũng được coi là chốn sang trọng của các cậu ấm, cô chiêu ở tuổi choai choai, sột soạt những tờ xanh, tờ đỏ. Sau những cuộc vui “hết ga”, có sẵn ma men trong người, họ sẵn sàng quậy đủ trò. Ấy là chưa kể đến việc hiện nay các cơ quan chức năng chưa có những biện pháp quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ mới mẻ này. Ngay đến các ngành y tế cũng chưa có “khái niệm” cụ thể như thế nào là RDT cũng như về “cái sự bổ” của nó đối với cơ thể con người. Thiết nghĩ xưa kia Lý Bạch, Đỗ Phủ, rồi Nguyễn Khuyến... thưởng rượu đâu có cần đến loại đắt tiền, loại đặc biệt, mồi nhậu đặc sản, ngồi chốn cao sang?! Theo Dân trí
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.