Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương nhớ đất Thăng Long

Quỳnh Phạm| 05/10/2010 07:46

(HNM) - Trong số những vị khách thành phố trân trọng mời dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có những nhà giáo - chiến sĩ một thời. Phần nhiều trong số họ đã về hưu, song những cảm xúc dành cho Hà Nội vẫn tươi mới, nồng nhiệt.

Đại diện nhà giáo đi B đoàn TP Hồ Chí Minh gắn lưu niệm cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: GDTĐ.vn


Bà Yến Thu, Trưởng đoàn nhà giáo đi B của TP Hồ Chí Minh cho biết: Đoàn của thành phố được mời về thăm Hà Nội lần này có 60 người trong tổng số gần 300 người của 24 tỉnh, thành. Trong đó có nhiều thầy, cô từ miền Bắc vào Nam công tác và cũng nhiều người là học sinh miền Nam được đào tạo tại miền Bắc, rồi trở lại miền Nam chiến đấu và dạy học. Họ đều là những nhà giáo - chiến sĩ đã từng “xẻ dọc Trường Sơn” vì sự nghiệp giáo dục và thống nhất đất nước. Lần này về lại Thủ đô đúng vào dịp đặc biệt nghìn năm có một, bà Yến Thu tâm sự trong cảm xúc dâng trào: Về Thủ đô, được nghe bài hát Hà Nội - niềm tin và hy vọng đúng thời điểm  này, cảm xúc trong tôi vẫn trọn vẹn như xưa, một niềm tin vào ngày mai chiến thắng, vào một ngày sẽ trở về Hà Nội.

Bà Yến Thu vốn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1955 và trở về chiến trường B sau 10 năm sống trong sự đùm bọc, chở che của miền Bắc. Bà bùi ngùi: “Ấn tượng về Hà Nội trong tôi là vô cùng sâu đậm. Tôi nhớ lại khi vào Nam, có lần sau một buổi làm việc, vị khách chào tôi ra về. Nghe chữ “về”, tôi lập tức buột miệng hỏi lại: Bác về Hà Nội ư? Khi đó hơn lúc nào hết, tôi nhận ra Hà Nội không chỉ là quê hương thứ hai, mà còn gần gũi, máu thịt như chính ngôi nhà của mình”. Bà cho biết, trước khi về tới Hà Nội, đoàn nhà giáo đi B đã trở lại thăm Thành cổ Quảng Trị, thả hoa tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc... “Các anh, các chị ấy đã không may mắn như chúng tôi, được tận hưởng những ngày tháng này, được đi giữa Hà Nội trong những thời khắc lịch sử. Nhưng tất cả chúng tôi, những người còn sống hay đã khuất, đều tự hào, hạnh phúc vì có một phần đóng góp, dù nhỏ của mình cho đất nước, cho Thủ đô hôm nay”.

Nhà giáo Phạm Thanh Liêm, vào Nam năm 1969 cho biết, trong số 34 đoàn nhà giáo được cử vào Nam với gần 3.000 người, nhiều người đã sinh trưởng hoặc học tập tại các trường phổ thông, trường sư phạm ở Hà Nội. Bản thân ông đã từng có thời gian là công dân Thủ đô. “Chúng tôi, người vào Nam sớm nhất là năm 1960, muộn nhất là năm 1974, nay chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của Thủ đô vừa với tư cách của những vị khách mời, vừa với tư cách của những người con về chốn cũ”.

Còn với cô giáo Phạm Thị Hải Ấm, nguyên cán bộ Văn phòng Bộ GD-ĐT,  Thủ đô Hà Nội trong bà chính là ký ức sâu đậm bên Hồ Gươm một ngày mùa xuân năm 1969, khi cô gái vùng đất Phú Thọ bồi hồi trong lễ tiễn chân đoàn thanh niên tình nguyện vào Nam. Cả đoàn Phú Thọ ngày ấy chỉ có bà là nữ. Cô giáo Phạm Thị Hải Ấm kể lại. Cuối năm 1969, sau 6 tháng “xẻ dọc Trường Sơn”, bà được phân công về khu 8 miền Trung Nam bộ, dạy trường cấp 1, cấp 2 Nguyễn Văn Bé. Đến giờ bà vẫn không thể quên được những lớp học dưới hầm, vẻn vẹn chục mét vuông, luôn bị bom Mỹ rình rập. Giáo viên của trường đa số là người miền Bắc. Họ đều được nhân dân, các chiến sĩ dành cho nhiều tình cảm thương mến đặc biệt. Có nhiều chiến sĩ miền Bắc nhớ quê hương, thường tới lớp học của cô giáo Ấm để nghe tiếng cô, tiếng của quê hương cho thỏa nỗi nhớ. Bà nhớ lại, trong hành trang của những “nhà giáo chiến sĩ” ngày ấy mang đi từ Thủ đô là chiếc ba lô, trĩu nặng những bộ sách giáo khoa viết cho vùng giải phóng. Những ngày nghỉ tại căn cứ, bà và đồng đội được giao cho việc “viết bạch”, là viết bằng mực hóa chất nội dung sách giáo khoa miền Bắc vào những vỏ túi giấy xi măng đựng đồ khô. Loại mực hóa chất này viết xong khô ngay, không để lại dấu vết, thuận tiện khi được đưa qua vùng Mỹ - ngụy kiểm soát.

Không nề hà hiểm nguy, gian khổ, gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở bất cứ nơi nào cần đến mình, đó là tinh thần chung mà nhà giáo Nguyễn Thị Minh Hải khắc ghi trong ký ức của mình. Nay cư ngụ tại Khánh Hòa, bà Hải cho biết bà vào Nam năm 1965 với hành trang là danh hiệu “Chiến sĩ diệt giặc dốt” từ năm 1954. Là người con của Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm, bà đã theo phong trào “Tam bất kỳ” (tức là đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì được giao, nhận bất kỳ chế độ đãi ngộ nào). “Sẵn sàng chết vì miền Nam ruột thịt - đó là điều tâm niệm khi lên đường nên chúng tôi cống hiến hết mình cho cuộc kháng chiến. Trong quá trình công tác ở miền Nam, tôi cũng như không ít nhà giáo khác đã làm tất cả để xây dựng lực lượng, dạy học dưới nhiều hình thức, dạy bổ túc văn hóa hay dạy cán bộ từ các tỉnh gửi tới. Khi các vùng được giải phóng thì các thầy giáo, cô giáo làm cả công việc tuyên huấn cho tới cấp dưỡng, hậu cần”.

Dẫu đã xa Hà Nội hay vẫn đang là công dân Thủ đô, những nhà giáo - chiến sĩ như họ vẫn không ngừng dành tâm huyết và trí tuệ của mình, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng đất nước. Thăng Long - Hà Nội vẫn là một chốn đi về yêu thương như nội dung bức trướng mà đoàn nhà giáo đi B gửi tặng Thủ đô Hà Nội: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương nhớ đất Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.