(HNM) - Khi các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước xác định thương hiệu là trọng tâm để phát triển bền vững, thì văn hóa DN cũng cần đổi mới theo hướng hỗ trợ cho thương hiệu. Một thương hiệu mạnh là thương hiệu cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, nhất quán cho người tiêu dùng trong dài hạn.
Muốn có sự nhất quán, DN phải xây dựng thương hiệu trong một môi trường có kỷ luật cao bằng việc loại bỏ những văn hóa giao tiếp không phù hợp, như "trên bảo, dưới không nghe", hay cách làm "ăn xổi, ở thì"... đang phổ biến ở các DN hiện nay. Mặt khác, DN phải biết phát huy sức mạnh đoàn kết nội bộ, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục để thay cho những lời hô hào suông. Trong một thế giới hội nhập kinh tế toàn cầu và luôn thay đổi theo hướng phát triển những sản phẩm "tinh" đáp ứng nhu cầu càng cao của người tiêu dùng như hiện nay, thì công nghệ, cách quản lý... của DN có thể sẽ mai một, lỗi thời, nhưng thương hiệu và văn hóa của DN sẽ vẫn tồn tại, phát triển nếu DN biết quản trị. Cụ thể, DN nào lấy thương hiệu làm trọng tâm để phát triển bền vững, nên bắt đầu từ việc xây dựng một chuỗi thương hiệu. Chuỗi này không chỉ gồm nhân sự nội bộ mà còn mở rộng sang các đối tượng bên ngoài, như khách hàng, đối tác... Nếu làm tốt việc xây dựng thương hiệu nội bộ với tiêu chí "chinh phục và lan tỏa", DN sẽ thu hút được những người cùng chí hướng, cùng chấp nhận thách thức và cống hiến vì mục tiêu lâu dài của thương hiệu. Từ đó sẽ hình thành ý thức, tạo nên một môi trường văn hóa tự nguyện hợp tác và tạo ra sức sống cho thương hiệu. Như vậy, thương hiệu phải nằm trong văn hóa và ngược lại văn hóa phải ở trong thương hiệu. Đây là mối quan hệ biện chứng, bởi ý nghĩa của thương hiệu phải được lan tỏa vào văn hóa DN nhằm tạo giá trị gia tăng. Nếu thương hiệu nào không có sự kết tụ của văn hóa và bản sắc riêng sẽ mãi chỉ có những sản phẩm, dịch vụ thông thường, khó tồn tại lâu dài trong thị trường cạnh tranh toàn cầu.
Những thương hiệu đã thành danh trên thế giới không chỉ bán những sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao, mà là bán cái giá trị văn hóa của nước họ. Như vậy, sẽ không quá muộn nếu ngay từ bây giờ lãnh đạo các DN trong nước tự hỏi những thương hiệu "made in Vietnam" gắn trên sản phẩm hay dịch vụ của mình mang những giá trị văn hóa gì? Có quan tâm đến yếu tố văn hóa, mới hy vọng các sản phẩm, dịch vụ của ta cạnh tranh được trên thương trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.