Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2001/NĐ-CP về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá. Điều 20, Nghị định 76, quy định: việc nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm thuốc lá sản xuất ở nước ngoài trên thị trường Việt Nam là không được khuyến khích. Nhà nước nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện việc này. Tuy nhiên trên thực tế, tại Hà Nội, thuốc lá ngoại vẫn đang được bán tràn lan trên nhiều tuyến phố.
Có mặt tại khu vực Bờ Hồ, trên các tuyến phố Hàng Hành, Lương Văn Can, Lê Thái Tổ (đoạn đối diện nhà hàng Thủy Tạ), có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục "điểm" bày bán thuốc lá ngoại. Các "cây" thuốc lá ngoại như: 555, Malboro, Kent, Hero, Jet, Esse... được xếp thành chồng cao vỏ không để làm mẫu. Khi có khách hỏi mua, chủ hàng vào trong nhà hay chỗ cất giấu mang ra bán. Tất nhiên, đa phần sản phẩm là hàng nhập lậu hoặc được đề dòng chữ "duty free" (hàng miễn thuế). Khảo sát tại khu vực Bờ Hồ, đoạn ngã ba Lê Thái Tổ - Lương Văn Can, có khoảng trên 20 điểm bán lẻ thuốc lá ngoại hoạt động.
Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu hiện chiếm gần 20% thị phần. Năm 2012, thuốc lá lậu gây thất thu cho ngân sách nhà nước 4.320 tỷ đồng; mỗi năm làm chảy máu ngoại tệ hơn 400 triệu USD. Những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi thuốc lá nhập lậu song chưa tạo được nhiều chuyển biến do lợi nhuận từ việc buôn lậu thuốc lá ngoại mang lại quá lớn. Ngày 1-5-2013 tới đây, khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, nhiều chế tài mạnh với ngành sản xuất thuốc lá nội địa được triển khai nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, không ít người lo ngại đây sẽ là "cơ hội" cho thuốc lá nhập lậu bành trướng.
Hơn 10 năm qua, từ khi Nghị định 76/2001/NĐ-CP có hiệu lực, những điểm bán thuốc lá ngoại vẫn ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến phố. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Phải chăng cơ quan quản lý địa phương không biết hay không làm gì được?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.