Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuốc giả, tác hại thật!

Thu Trang| 23/04/2018 06:59

(HNM) - Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành nhiều quyết định đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy thuốc giả, thuốc không bảo đảm chất lượng trên toàn quốc.


“Rước bệnh” vì dùng thuốc giả

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, trong năm 2016 có 2%/tổng số mẫu thuốc lấy về kiểm nghiệm là kém chất lượng; 0,01% mẫu lấy là thuốc giả. Năm 2017, số lượng thuốc giả được phát hiện là 5 mẫu, trong đó có 4 mẫu thuốc tân dược và 1 mẫu thuốc đông dược. Trong 4 tháng đầu năm 2018, có 2 loại thuốc kháng sinh giả là Zinnat và Lincomycin bị cơ quan chức năng phát hiện.

Ngoài ra, từ ngày 1-12-2017 đến 21-3-2018, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã xử phạt hành chính 21 doanh nghiệp dược với số tiền gần 1,3 tỷ đồng do sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng...

Người dân nên đến các nhà thuốc uy tín để tránh nguy cơ mua phải thuốc giả.


Những số liệu trên vẫn chưa phản ánh hết tình trạng thuốc kém chất lượng trên thị trường hiện nay. Đáng lo ngại hơn, với công nghệ ngày càng hiện đại, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Trong đó có rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: Thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, thần kinh, hỗ trợ sinh lý…

Bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Chẳng hạn, một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết không những không xuống mà lại tăng cao gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng từ 15 đến 30 phút hoặc một vài ngày.

Bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn “rước" thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong. Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã từng tiếp một bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt... không rõ nguyên nhân.

Chỉ đến khi các bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng mới phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có rất nhiều các vỏ thuốc hình con nhộng. Nguyên nhân do bệnh nhân này đã uống phải thuốc giả nên những vỏ thuốc không được hòa tan như thuốc thật và thứ bột trong các viên thuốc giả đã ứ đọng trong dạ dày gây ngộ độc toàn thân…

Kiểm soát như thế nào?

Nguy hiểm là vậy nhưng việc phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc kém chất lượng lại không thể thực hiện bằng mắt thường. Phát hiện thuốc kém chất lượng chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc.

PGS.TS Đoàn Cao Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cho biết, trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và cấp phép lưu hành ngày càng tăng thì hệ thống kiểm nghiệm hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, có nhiều mặt hàng là những hoạt chất mới, dạng bào chế mới và các thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc được bào chế sản xuất bằng công nghệ cao… mà hệ thống kiểm nghiệm hiện nay chưa đủ trang thiết bị và chất chuẩn để kiểm nghiệm.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc của Bệnh viện Đông Đô.


Còn tại nơi khám chữa bệnh cũng như tại các cửa hàng bán thuốc, thông tin thu hồi, đình chỉ thuốc kém chất lượng lại không được công khai. Thậm chí, nhiều loại thuốc, trước khi có lệnh thu hồi đã được bán trên thị trường và được rất nhiều người sử dụng. Do đó, để kiểm soát chặt thị trường thuốc tân dược không phải là chuyện dễ.

Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc kết nối hệ thống internet cả nước đối với các cơ sở bán lẻ như: Nhà thuốc, quầy thuốc. Hiện chương trình này đang tiến hành thử nghiệm và sẽ triển khai đến năm 2020. Việc áp dụng kết nối mạng để quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc sẽ giúp giám sát được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả và công khai đến người dân.

Mặt khác, Bộ Y tế tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc cả ở khâu tiền kiểm và hậu kiểm nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, phải từng bước nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc ở cấp quốc gia…

Khác với những mặt hàng thông thường, người mua thuốc thường không đủ kiến thức để kiểm tra hàng thật hay giả. Và khi có bệnh, họ chỉ biết tìm mua thuốc để trị bệnh. Chính vì vậy rất cần phải thiết lập một thị trường thuốc lành mạnh, bảo đảm chất lượng để người dân thực sự yên tâm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hiện đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Điều đáng bàn là thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Mặc dù WHO đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả còn thấp, thế nhưng do thói quen mua, bán thuốc không có hóa đơn, thậm chí không cần đơn thuốc của bác sĩ, nước ta lại là nơi thuận lợi cho nạn thuốc giả tung hoành.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc giả, tác hại thật!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.