(HNMO)-Thay vì 7 bậc thuế như hiện nay với mức cao nhất là 35%, thuế thu nhập cá nhân sẽ được rút lại còn 6 bậc và mức cao nhất là 30%.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, 4 nội dung quan trọng được sửa đổi tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lần này là nâng mức khởi điểm chịu thuế, loại bỏ bậc thuế cao nhất 35%, quy định về các khoản phụ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế và thay đổi cách quyết toán.
Về biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh, loại bỏ bậc thuế suất cao nhất là 35%, còn lại giữ nguyên các bậc thu nhập tính thuế và thuế suất như hiện hành. Theo đó, biểu thuế luỹ tiến từng phần còn 6 bậc, thuế suất cao nhất là 30%.
Cụ thể: Bậc 1.đến 5 triệu chịu mức thuế suất 5%; bậc 2. trên 5 triệu-10 triệu: 10%; bậc 3. trên 10 triệu-18 triệu: 15%;bậc 4. trên 18 triệu-32 triệu: 20%; bậc 5. trên 32 triệu -52 triệu: 25%; bậc 6. trên 52 triệu: 30%. Trong khi đó ở biểu thuế đang áp dụng hiện nay, từ bậc 1 đến bậc 5 như phương án sữa đổi nhưng bậc 6 là trên 52 triệu -80 triệu chịu mức thuế 30%; bậc 7. trên 80 triệu chịu mức thuế 35%.
Như vậy, với phương án sửa đổi thì các cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc cao (trên 80 triệu đồng/tháng) sẽ được giảm mức điều tiết so với hiện hành. Nếu đồng thời sửa đổi biểu thuế theo phương án này và điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh (từ 4 triệu lên 6 triệu đồng/tháng với cá nhân nộp thuế và 1,6 triệu lên 2,4 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc) thì mức điều tiết thuế ở tất cả các bậc đều giảm so với hiện hành, trong đó người nộp thuế ở bậc thu nhập cao (trên 80 triệu đồng) được giảm nhiều hơn.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính, sở dĩ việc bổ sung, sửa đổi Luật này bỏ mức thuế suất cao nhất là 35% và đưa mức phần thu nhập tính thuế mức cao nhất là trên 52 triệu đồng là bởi thực tế cho thấy thấy số người nộp thuế ở bậc cao chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng số thuế đóng góp lớn.
Qua thực tế cho thấy, có rất ít người nộp thuế ở bậc cao nhưng đóng góp số thuế rất lớn (0,18% số người nộp thuế ở bậc 7 đóng góp số thuế là 17,3%; trong khi 73,32% số người nộp thuế ở bậc 1 nhưng số thuế chỉ chiếm 10,06% tổng số thuế). Thực tế là một cá nhân có 1 người phụ thuộc với mức thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì số thuế nộp 18,15 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ 21,2% thu nhập; với mức thu nhập 150 triệu đồng/tháng số thuế nộp là 40,69 triệu đồng (27,13% thu nhập); nếu có thu nhập 200 triệu đồng/tháng thì số thuế nộp là 58,19 triệu đồng (29,1% thu nhập).
Mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là cao nên những người nộp thuế ở bậc 7 cho rằng không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động. “Mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc”-Bộ Tài chính giải thích.
Bên cạnh đó, bậc thuế suất cao nhất không quá cao so với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để không gây tác động tới tương quan điều tiết giữa các loại thu nhập hoặc ảnh hướng tới việc lựa chọn mô hình kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nỗ lực lao động, ý chí kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Theo chiến lược cải cách thuế 2011-2020, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành 25%, dự kiến sẽ điều chỉnh xuống khoảng 22- 23% vào năm 2015, sau đó giảm xuống còn khoảng 20% vào năm 2020.
“Để bảo đảm tính tương quan hợp lý giữa thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế TNCN, đồng thời có tính đến xu thế cải cách thuế ở các nước trong khu vực trong thời gian gần đây, cần thiết phải sửa đổi mức thuế cao 35%.”-Bộ tiếp tục lý giải thêm.
Bộ này cho biết, nếu thực hiện điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế lên 6 triệu đồng và cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng; đồng thời sửa đổi biểu thuế như nêu trên thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 9.250 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.