(HNM) - Đầu tháng 10 vừa qua, tất cả thực phẩm bày bán ở Đan Mạch có chứa hơn 2,3% chất béo hòa tan đều bị đánh một loại thuế lần đầu tiên có mặt trên thế giới: thuế chất béo.
Đây là một nỗ lực của Đan Mạch nhằm hạn chế thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe. Cụ thể, những sản phẩm lương thực có lượng chất béo hòa tan vượt quá mức quy định 2,3% sẽ bị đánh thuế 2,9 USD/kg. Như vậy, người tiêu dùng phải trả tiền thêm 30% với mặt hàng bơ, 8% với khoai tây chiên và 7% đối với dầu olive và hàng loạt thực phẩm khác như sữa, phomát, bánh pizza và thực phẩm chế biến sẵn... Điều này khiến giá một chiếc hamburger tăng khoảng 0,15 USD và giá một gói bơ nhỏ tăng khoảng 0,40 USD. Loại thuế này không chỉ áp dụng cho các mặt hàng thực phẩm địa phương mà còn cả các mặt hàng nhập khẩu.
Lý giải về thuế đánh vào chất béo, Chính phủ Đan Mạch cho rằng, chất béo hòa tan là thủ phạm gây ra tình trạng người béo phì ngày càng gia tăng và 4% số người chết yểu tại nước này. Do đó, tăng giá thực phẩm béo sẽ khiến người dân hạn chế khẩu phần chứa nhiều chất béo. Hiện tuổi thọ trung bình của người Đan Mạch thấp hơn so với mức trung bình 79 tuổi trong các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Jakob Axel Nielsen đã đề xuất ý tưởng nói trên năm 2009 và đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu vào tháng 3 vừa qua, với mục tiêu tăng tuổi thọ trung bình của người dân Đan Mạch lên thêm 3 tuổi trong 10 năm tới. Một tuần trước khi thuế chất béo được áp dụng, người tiêu dùng ở Đan Mạch đã đổ xô đi mua bơ, thịt và sữa về tích trữ để tránh việc tăng giá đột ngột.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo, nếu các loại chất béo bị đánh thuế, có nguy cơ là người Đan Mạch chuyển sang dùng thực phẩm có hại hơn nữa. Vì thế, không nên đánh thuế chỉ chất béo, mà tốt nhất là đánh thuế thực phẩm có hại và hủy bỏ thuế tính vào rau quả.
Khơi nguồn cho luật thuế đánh vào chất béo là Hungary. Đầu tháng 9, nước này đã áp một sắc thuế mới, được biết với tên gọi "Luật Humburger", đánh thuế cao hơn với các loại đồ uống có cồn nhẹ, bánh ngọt, đồ ăn nhanh có hàm lượng muối cao và các loại gia vị dùng cho thực phẩm. "Luật Humburger" nhằm cải thiện thói quen ăn uống của người dân và giúp cân bằng ngân sách y tế. Hungary hiện nằm trong số những nước Đông Âu nặng nợ nhất. Trước những dự luật mới về thuế của Hungary và Đan Mạch, dự đoán các đại diện ngành công nghiệp thực phẩm trong khu vực sẽ phản đối thuế này. Tập đoàn thực phẩm châu Âu CIAA nói rằng thuế "béo" là phân biệt đối xử, vì nhắm vào những loại thực phẩm đặc biệt và ảnh hưởng nhiều nhất tới những người thu nhập thấp và không chứng tỏ khả năng cải thiện thói quen ăn uống của người dân. Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (DI) cho biết, hệ thống thu tiền mới từ thuế chất béo đang là một nỗi khủng khiếp với nhà sản xuất và người tiêu dùng. Gitte Hestehave, người phát ngôn của DI nói: "Tôi nghi ngờ việc liệu nó sẽ có lợi hơn cho sức khỏe hay chỉ là một loại thuế và sẽ tạo ra những cơn ác mộng về hành chính".
Dẫu vậy, tình trạng béo phì đang diễn ra ồ ạt tại nhiều nước. Vì thế, thuế chống chất béo của Đan Mạch vẫn có tính khả thi cao. Giám đốc nhóm nghiên cứu tăng cường sức khỏe của Đại học Oxford (Anh) Mike Rayner rất ủng hộ luật thuế này: "Tôi nghĩ Chính phủ Anh nên thu thuế này, khủng hoảng béo phì ở Anh đã đến mức đòi hỏi chúng ta hành động nhiều hơn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.