Nông nghiệp

Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi: Cấp bách ngăn chặn, xử lý dứt điểm

Kim Nhuệ - Hà Ninh 09/07/2024 - 06:39

Dù đã quan tâm, vào cuộc xử lý, song tình trạng vi phạm pháp luật về thủy lợi vẫn xảy ra tại nhiều địa phương của Hà Nội.

Triển khai các giải pháp để ngăn chặn phát sinh vi phạm, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng là vấn đề cấp bách đặt ra, nhất là khi đang trong mùa mưa lũ.

dai-dien-phong-kinh-te-huye.jpg
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, xã Khánh Hà và Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân kiểm tra thực địa, thiết lập hồ sơ xử lý công trình xây dựng trong hành lang sông Tô Lịch.

Phát sinh 154 vụ vi phạm

Dù đang trong thời kỳ mưa lũ, nhưng quan sát tại những trục tiêu thoát nước lớn của thành phố, dễ dàng nhận ra nhiều vi phạm mới phát sinh. Cụ thể, trên tuyến sông Nhuệ, đoạn thuộc tổ dân phố 18 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) có một hộ dân xây nhà cấp 4, rộng khoảng 140m2, nằm trong hành lang sông.

Còn tại xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) có một hộ dân xây nhà xưởng rộng khoảng 260m2 trong hành lang sông Nhuệ. Trong hành lang sông Tô Lịch, đoạn qua xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) cũng có nhiều hộ dân xây dựng nhà ở. Đặc biệt, trên sông Duy Tiên, đoạn qua xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) có một hộ dân xây tường gạch, đổ đất trồng hoa màu trong hành lang sông, với diện tích khoảng 110m2...

Theo thống kê của 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 154 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi, với các hình thức: Xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, lều lán, chuồng trại chăn nuôi, tập kết vật liệu xây dựng, trồng cây lâu năm... Những vi phạm này không chỉ làm giảm công năng, mà còn trực tiếp đe dọa an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Các địa phương để xảy ra nhiều vi phạm nhất là huyện Phú Xuyên với 36 vụ, huyện Thường Tín 31 vụ, quận Nam Từ Liêm 14 vụ, huyện Thanh Trì 12 vụ...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo các doanh nghiệp thủy lợi thành phố cho biết, do không có chức năng xử lý, nên khi phát hiện vi phạm đơn vị chỉ lập biên bản, chuyển hồ sơ đến chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý theo thẩm quyền.

“Ngoài đề xuất các hình thức xử lý theo quy định pháp luật, chúng tôi còn gửi kèm hình ảnh vi phạm tới các địa phương. Nhiều vụ vi phạm trên địa bàn huyện Thường Tín, chúng tôi gửi biên bản vi phạm tới lần hai, lần ba...”, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân Phạm Thị Thu Loan thông tin.

Mặc dù các cấp, ngành, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiến nghị các địa phương tập trung xử lý, có biện pháp ngăn ngừa vi phạm, tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay mới xử lý được 69 vụ, trong đó có 12 vụ việc phát sinh trong năm 2024 và 57 vụ tồn đọng từ trước. Như vậy, tính đến thời điểm này, các địa phương chưa xử lý dứt điểm 142 vụ xảy ra trong năm 2024...

Tăng trách nhiệm trong quản lý, xử lý vi phạm

Thường Tín là huyện có số vụ vi phạm pháp luật thủy lợi nhiều nhất thành phố. Giải thích về việc này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, trên địa bàn có nhiều khu dân cư sinh sống lâu đời dọc các tuyến sông: Nhuệ, Tô Lịch. Trong đó, nhiều hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ những năm 1990, trước khi Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (sau đó là Luật Thủy lợi) có hiệu lực. Hơn nữa, hiện nay, nhiều ngôi nhà ở ven sông bị xuống cấp, người dân có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp...

“Từ đầu năm đến nay, huyện Thường Tín đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm, nhất là những vụ việc ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy; chịu trách nhiệm trước UBND huyện, nếu để xảy ra nhiều vi phạm mà không xử lý kịp thời...”, ông Nguyễn Thanh Hưng cho hay.

Thực hiện chỉ đạo trên, lãnh đạo các xã: Khánh Hà, Tiền Phong, Hiền Giang... của huyện Thường Tín khẳng định, đang phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân tập trung kiểm tra, rà soát, phân loại và thiết lập hồ sơ xử lý những vụ việc vi phạm mới phát sinh, tồn đọng...

“Để ngăn chặn phát sinh, xử lý dứt điểm những vụ vi phạm pháp luật thủy lợi trên địa bàn, xã Khánh Hà rất mong các cấp, ngành đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân sinh sống trong hành lang sông Nhuệ, sông Tô Lịch...”, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Dương Thanh Tuấn đề xuất.

Tương tự, lãnh đạo các xã: Tiền Phong, Hiền Giang... cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ sông, tạo cơ sở pháp lý để địa phương xử lý dứt điểm các vi phạm...

Còn tại huyện Phú Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh cũng khẳng định, trong tháng 8 tới đây, huyện sẽ cưỡng chế giải tỏa 29 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Đối với những vụ việc còn lại, ngay trong tháng 7 này, các xã, thị trấn phải phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Phú Xuyên hoàn thành giải tỏa những lều lán, chuồng trại chăn nuôi, cây trồng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...

Để ngăn chặn phát sinh vi phạm pháp luật thủy lợi trên địa bàn, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tập trung rà soát, phân loại, hoàn tất hồ sơ, trình tự các bước xử lý những vi phạm còn tồn đọng. Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh, các cơ quan liên quan phải tổ chức ngăn chặn và giải quyết triệt để ngay từ đầu. Nếu nơi nào để xảy ra nhiều vi phạm không được phát hiện kịp thời, các địa phương, đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật...

Ngoài việc xử lý vi phạm, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy lợi để người dân có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai...

Công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần quyết liệt và tăng trách nhiệm hơn nữa trong quản lý, xử lý vi phạm và bảo đảm an toàn công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi: Cấp bách ngăn chặn, xử lý dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.